Các nhà cổ sinh vật học phát hiện hóa thạch xương của 3 con khủng long tại tỉnh Neuquen, Argentina ngày 2/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Loài khủng long trên được đặt tên khoa học là “Lavocatisaurus agrioensis”, thuộc nhóm chân thằn lằn Sauropoda, ăn cỏ, 4 chân, có cổ và đuôi dài.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, chuyên gia nghiên cứu thuộc Bảo tàng Egidio Feruglio (E-gi-đi-ô Phê-rút-li-ô), Jose Luis Carballido (Hô-hê Lu-ít Các-ba-gi-đồ) cho biết hóa thạch xương hộp sọ của Lavocatisaurus agrioensis được tìm thấy tại khu vực ít được chú ý và trong tình trạng gần như còn nguyên vẹn với mõm, hàm, xương hốc mắt và nhiều răng. Những mẫu vật xương đó có thể giúp các chuyên gia tái tạo lại hộp sọ của con vật này.
Các nhà cổ sinh vật học phát hiện hóa thạch xương của 3 con khủng long tại tỉnh Neuquen, Argentina ngày 2/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cách đây 110 triệu năm, môi trường xung quanh nơi phát hiện các hóa thạch là vùng sa mạc, ít đầm phá. Do vậy, nhiều chuyên gia nghiên cứu trước đó loại trừ khả năng tìm thấy hóa thạch khủng long tại đây. Tuy nhiên, ông Carballido cho biết loài Lavocatisaurus agrioensis có thể đã thích nghi với môi trường khô cằn, thảm thực vật ở tầng thấp, ít độ ẩm và ít nước.
Chuyên gia thuộc Đại học Zaragoza (Xa-ra-gô-xa) của Tây Ban Nha, José Ignacio Canudo (Hô-xê Ích-na-xi-ô Ca-nu-đô) cho biết hóa thạch 3 con khủng long trên cũng gồm xương cổ, đuôi và lưng. Trong ba mẫu vật có một con trưởng thành dài 12 m và hai con còn lại dài từ 6-7m.
Phương Lan