Ngày 2/2, Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Miramar của Argentina thông báo các nhà khoa học nước này đã phát hiện hóa thạch của một con lười khổng lồ tại khu vực ven biển gần thành phố Miramar thuộc tỉnh Buenos Aires.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, các nhà khảo cổ học từ Đại học Mar del Plata và Viện Cổ sinh vật Argentina cho biết đây là hóa thạch của một con lười khổng lồ có niên đại khoảng 3,5 triệu năm, sống trong giai đoạn thế Pleiocen (thế Thượng tân - kéo dài từ khoảng từ 1,8 đến 5,3 triệu năm trước) tại khu vực đồng bằng Pampa. Khu vực đồng bằng này có diện tích 750.000 km², bao trùm lên vùng lãnh thổ tương ứng với toàn bộ nước Uruguay; các tỉnh Buenos Aires, La Pampa, Santa Fe, Entre Ríos và Córdoba của Argentina; và phần phía Nam của bang Rio Grande do Sul của Brazil.
Các nhà khoa học ước tính con lười khổng lồ này có chiều dài 5 mét với trọng lượng 6 tấn (tương đương với những con voi lớn nhất hiện nay) và có mõm hẹp và một chiếc lưỡi dài dùng để nhai các loại lá và rau xanh. Tuy nhiên, con vật này có móng vuốt lớn và kích thước khổng lồ, khiến một số chuyên gia tin rằng đây có thể là động vật ăn thịt chuyên sử dụng móng vuốt để đâm con mồi.
Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Miramar cho biết các bộ hóa thạch của loài lười khổng lồ được phát hiện khắp nơi trên toàn bộ lãnh thổ Argentina, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch có niên đại cao như vậy.
Ngọc Tùng