Ngày 21/7, Đại học Quốc gia La Matanza ở Argentina thông báo các nhà khoa học nước này và Ecuador đã phát hiện hóa thạch của một loài chim cú khổng lồ sống tại khu vực Trung và Nam Mỹ cách đây 40.000 năm.
Hóa thạch của loài cú có chiều cao khoảng 70cm với sải cánh rộng 1,5 mét, được tìm thấy trong một hang động nằm ở độ cao hơn 2.800 mét so với mực nước biển ở tỉnh Chimborazo (Chim-bô-ra-xô) miền Trung Ecuador.
Theo nhà cổ sinh vật học tại Viện Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Argentina (CONICET) Federico Agnolin, một trong những điểm đặc biệt là ngoài việc săn bắt chuột, thỏ và chim chóc, loài cú có tên khoa học Asio ecuadoriensis này có xu hướng ăn thịt những loài cú nhỏ khác.
Các nhà khoa học chưa giải thích được tại sao loài cú khổng lồ này biến mất, tuy nhiên họ cho rằng sự thay đổi khí hậu xảy ra khi Kỷ băng hà kết thúc khoảng 10.000 năm trước là một phần nguyên nhân của sự tuyệt chủng của các loài động vật có vú cũng như các loài chim săn mồi có kích cỡ khổng lồ.
Ngọc Tùng