Theo phóng viên TTXVN tại Paris, một số công ty tại Pháp đang thử nghiệm khả năng sản xuất loại tã giấy, bỉm trẻ em có thể tái chế thành phân bón hữu cơ sau khi đã qua sử dụng.
Tã, bỉm dùng một lần được thừa nhận là rất tiện dụng cho các cha mẹ bận rộn, nhưng lại là rác thải "bốc mùi" gây ô nhiễm. Một nghiên cứu của Cơ quan Chuyển hóa năng lượng Pháp (Ademe) cho thấy tã giấy và bỉm trẻ em đã qua sử dụng chiếm khoảng 3% lượng rác thải sinh hoạt hằng năm ở nước này.
Theo Ademe, tính đến thời điểm có thể tự đi vệ sinh mà không cần bỉm, khoảng 2,5 tuổi, một đứa trẻ có thể tiêu thụ từ 4.000 đến 5.000 chiếc tã, bỉm tương đương 1 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, mặc dù chất lượng tã giấy, bỉm đã được cải thiện hơn nhiều để thân thiện với môi trường và giảm thiểu độc hại cho trẻ em, nhưng với 3 tỷ chiếc được sử dụng mỗi năm, thì lượng rác thải này cũng ảnh hưởng đến môi trường.
Do đó, để rác thải tã, bỉm trở nên hữu ích hơn, một số công ty đã bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm khả năng sản xuất các sản phẩm này để có thể chế biến chúng thành phân hữu cơ, sau khi đã được sử dụng.
Bà Stéphanie Mazet, người đồng sáng lập công ty Mundao, cho biết tã, bỉm là những sản phẩm không có khả năng thu hồi, ngoài việc chôn lấp hoặc thiêu hủy. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại chứa đến 75% chất thải hữu cơ nên đây có thể là chất liệu tốt cho quá trình phân hủy kỵ khí. Do đó, bà đã cùng chồng là ông Etienne Mazet nghiên cứu giải pháp thay thế tã, bỉm truyền thống bằng tã, bỉm có thể phân hủy và đưa vào thử nghiệm tại khoảng 60 nhà trẻ ở Bordeaux, Libourne và Poitiers. Không chỉ Mundao, mà Alchimistes - một công ty thu hồi chất thải sinh học, cũng đang thử nghiệm tã, bỉm có thể tái chế tại 5 nhà trẻ ở Pantin (Seine-Saint-Denis).
Theo hai công ty trên, các loại tã, bỉm này không thể tự phân hủy trong tự nhiên mà phải qua xử lý công nghiệp. Hai công ty này đã thu gom hàng nghìn tã, bỉm thải từ các nhà trẻ nói trên đưa vào nghiền nhỏ và trộn với chất thải xanh khác trong các nhà máy chuyên dụng "trong các điều kiện được kiểm soát". Hỗn hợp này tuy chưa bán chính thức ra thị trường, nhưng đã được sử dụng để làm phân bón vườn hoặc trồng nho.
Hiện nay, công thức sản xuất ra loại bỉm này còn chưa được công bố, nhưng được biết chúng có các thành phần có "nguồn gốc thực vật hoặc sinh học, thay thế cho nguyên liệu tã, bỉm thông thường từ hóa dầu", Theo bà Stéphanie Mazet, công ty Mundao đã phải tìm ra một chất thực vật thay thế cho chất siêu hấp thụ, muối natri polyacrylate, hiện đang được sử dụng để sản xuất tã, bỉm.
Bà Maïwenn Mollet - người đứng đầu dự án tã, bỉm tái chế ở vùng Paris - cho rằng đây sẽ là một sự lựa chọn của tương lai.
Các công ty của Pháp nhận định khi luật kinh tế tiêu dùng khép kín của nước này có hiệu lực vào năm 2024 tới, một kênh quản lý và xử lý chất thải của ngành dệt may, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ y tế và vệ sinh, sẽ ra đời. Khi đó, tã, bỉm có thể tái chế sau khi sử dụng sẽ là một sản phẩm đầy hứa hẹn.
Nguyễn Thu Hà