Ông Lê Văn Thủy trồng thanh long sạch hướng tới xuất khẩu

Thanh Long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Ảnh : TTXVN
Thanh Long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Ảnh : TTXVN

Ông Lê Văn Thủy ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được mọi người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ông Lê Văn Thủy trồng thanh long sạch hướng tới xuất khẩu ảnh 1Thanh Long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Ảnh : TTXVN

Bắt đầu trồng thanh long từ năm 1996 theo phương pháp truyền thống là lên liếp rồi trồng thanh long bám vào các cây xanh như cây dông, cây me tây nhưng hiệu quả không cao, năng suất trái thanh long thấp vì dây thanh long bị cạnh tranh dinh dưỡng. Vì vậy, năm 2013, khi xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo thành lập Tổ hợp tác sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Thủy liền tham gia. Tuy nhiên, qua thời gian, mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cũng gặp không ít khó khăn vì đầu ra của sản phẩm trái thanh long bấp bênh, giá cả không ổn định.

Ý tưởng về đầu ra trái thanh long sạch để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài luôn canh cánh bên lòng nên vào năm 2014, ông Thủy cùng các hộ thành viên trong Tổ hợp tác xin thành lập Hợp tác xã Mỹ Tịnh An. Là thành viên của Ban Chủ nhiệm, ông Thủy cùng một số xã viên nòng cốt đã nghiên cứu, áp dụng thành công mô hình sản xuất trái thanh long sạch theo hướng đạt chuẩn xuất khẩu nước ngoài và vận động các xã viên cùng tham gia.

Đến năm 2015, thanh long của Hợp tác xã Mỹ Tịnh An được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP đã mở ra hướng đi mới khi có thị trường và giá cả ổn định, nâng mức thu nhập cho xã viên cao hơn so với trồng thanh long theo phương pháp truyền thống như trước đây.

Dẫn ra vườn thanh long được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đang phát triển tươi tốt, ông Thủy hồ hởi khoe, nhờ lợi nhuận thu được từ trồng thanh long sạch mà tôi đã mua thêm 6 công đất, mở rộng diện tích trồng thanh long ruột trắng.

Hai năm gần đây, ông đã chuyển dần diện tích hơn 1,7 ha trồng thanh long bằng trụ sang trồng thanh long bằng giàn bởi phương thức này cho năng suất cao gấp mấy lần trồng thanh long trèo lên trụ xi măng truyền thống.

Hơn nữa, thanh long của ông luôn sản xuất theo đúng quy trình GlobalGAP và đảm bảo các tiêu chí như: đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho lao động và phúc lợi xã hội, bảo đảm chất lượng và uy tín của sản phẩm...

Ngoài ra, quy trình trồng thanh long sạch của ông cũng như các xã viên khác còn được hợp tác xã hỗ trợ về kỹ thuật để vườn thanh long sản xuất đạt chất lượng tốt nhất. Điều đáng ghi nhận là sản phẩm thanh long sạch của ông và các xã viên được hợp tác xã bao tiêu giá, có thể nói lúc nào cũng cao hơn giá thị trường. Vì thế, vườn thanh long của ông Thủy cho thu nhập khá cao, từ 700 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm.

Từ nay đến trước Tết nguyên đán, ông Thủy dự tính sẽ xông đèn vườn thanh long mình 3 đợt với năng suất dự kiến thu hoạch khoảng 15 tấn thanh long. Với giá ổn định 10-12 nghìn đồng/ký, trừ chi phí thì ông có thể thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Vẹn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Gạo nhận xét, bằng sức lao động cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng, ông Lê Văn Thủy xứng đáng là tấm gương điển hình trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch và phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. "Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Thủy còn hỗ trợ hàng chục nông dân khác làm giàu ngay trên chính đất quê hương mình.

Hiện tại, ông Thủy là tổ trưởng tổ trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP với hơn 30 thành viên và hơn 10 năm làm Chi hội trưởng chi Hội Nông dân ấp Mỹ Khương.

Với vai trò của mình, ông Thủy thường xuyên liên kết các ngành tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất thanh long sạch. Đối với những nông dân chưa có chứng nhận GlobalGAP thì ông trực tiếp vận động nông dân sản xuất theo quy trình GlobalGAP", ông Vẹn cho biết thêm.

Khi hỏi về bí quyết làm giàu, giúp gia đình có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay, ông Lê Văn Thủy phấn khởi cho biết, mục đích cuối cùng của ông là hiệu quả kinh tế, mà muốn có hiệu quả kinh tế thì sản phẩm làm ra phải được thị trường chấp nhận. Vì thế, sản phẩm làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn quy định.

Thị trường châu Âu mở ra là cơ hội cho trái thanh long nhưng cũng là thách thức vì thị trường này không có chỗ đứng cho hàng kém chất lượng. Vậy nên để có chỗ đứng cho giá trị trái thanh long thì người nông dân phải liên kết lại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì mới có điều kiện chứng nhận sản phẩm sạch, sản phẩm được xuất khẩu.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm