Chiếm gần 50% diện tích trồng cây thanh long của tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam được coi là “thủ phủ” thanh long của tỉnh Bình Thuận. Những năm qua, cây thanh long trở thành cây “sống còn” của địa phương bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo.
Phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Hàm Thuận Nam tập trung hình thành vùng trồng thanh long chất lượng, an toàn; khuyến khích phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, gắn với chuyển đối cơ cấu cây trồng.
Sản xuất theo chuẩn an toàn
Thanh long là cây trồng chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế của huyện Hàm Thuận Nam. Xác định sản xuất thanh long sạch, an toàn là một hướng đi tất yếu, bắt buộc giúp trái thanh long nâng cao chất lượng cạnh tranh trên thị trường, huyện Hàm Thuận Nam đẩy mạnh triển khai chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) và thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP).
Ông Trần Văn Lanh, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam cho biết, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tạo môi trường thuận lợi để đáp ứng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời giúp nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Mặt khác, sản xuất VietGAP góp phần cải thiện môi trường sản xuất, giảm tình trạng lạm phát thuốc bảo vệ thực vật, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế hiện nay.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hện nay diện tích sản xuất thanh long toàn huyện khoảng 14.700 ha. Sản lượng hàng năm đạt trên 320.000 tấn. Đến tháng 7/2020, toàn huyện có hơn 6.600 ha thanh long được công nhận đạt chuẩn VietGAP (45% diện tích toàn huyện) với hơn 200 tổ, nhóm, trang trại tham gia. Ngoài ra, Hàm Thuận Nam còn có khoảng 500 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, tập trung chủ yếu tại các trang trại có diện tích lớn.
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam hiện có 35 thành viên tham gia sản xuất 55 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Với tiêu chí sản xuất trái thanh long theo hướng an toàn và chinh phục những thị trường khó tính, các thành viên Hợp tác xã liên kết tạo một chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long; khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng để mở ra hướng đi tích cực.
Theo bà Lê Phương Chi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30, sau 5 năm hoạt động, sản phẩm trái thanh long của Hợp tác xã đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc đồng thời cung cấp sản phẩm trái tươi cho các đối tác xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Trung Quốc và các siêu thị trong nước… Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng bước đầu chế biến sản phẩm thanh long sấy khô. Năm 2020, Hợp tác xã đang xúc tiến phối hợp với một đối tác để thu mua toàn bộ sản phẩm thanh long Global GAP của hợp tác xã để xuất đi các thị trường khó tính.
“Sản xuất xanh, sạch, bền vững đang là xu hướng chung của thế giới. Vì vậy để tồn tại không còn cách nào khác là người nông dân phải tham gia sản xuất thanh long sạch”, bà Chi chia sẻ thêm.
Sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP mở ra một hướng đi an toàn và bền vững cho trái thanh long. Tuy nhiên, theo một số nhà vườn, vì sản xuất theo VietGAP đòi hỏi quy trình khắt khe, tốn nhiều công sức như: tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng việc tiêu thụ không có sự khác biệt với sản xuất thông thường nên người nông dân không mặn mà với VietGAP.
Để khắc phục vấn đề trên, theo ông Trần Văn Lanh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện đang đẩy mạnh vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh vận động, quán triệt đến các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long thu mua thanh long VietGAP cho nông dân, trong đó ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm thanh long sản xuất theo VietGAP.
Đồng thời, huyện khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm sản xuất thanh long để xây dựng chuỗi giá trị; tiếp tục hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long, cánh đồng lớn và ngày càng chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn
Mở ra hướng đi mới
Theo thống kê, hiện nay khoảng 80% sản lượng trái tthanh long tươi của Bình Thuận nói chung và huyện Hàm Thuận Nam nói riêng đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này cũng đã tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, siết chặt yêu cầu truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát chất lượng trái xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu khắt khe trên trái tươi thì việc phát triển chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ thanh long cũng là một giải pháp hết sức cần thiết.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn huyện hiện có 5 cơ sở chế biến sản phẩm từ trái thanh long. Nhiều hợp tác xã thanh long trên địa bàn bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thanh long từ chính vùng nguyên liệu của mình như: sản phẩm thanh long sấy khô hợp tác xã Hàm Minh 30, nước ép thanh long của hợp tác xã Kim Hải, thanh long sấy dẻo của công ty trách nhiệm hữu hạn Bé Dũng… Mặc dù các cơ sở chế biến này hoạt động với công suất nhỏ và chỉ bước đầu sản xuất thăm dò thị trường nhưng đã mang lại hướng đi mới nhằm đa dạng sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới từ thanh long, tạo đầu ra cho trái thanh long bền vững hơn.
Ông Trần Văn Lanh, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tiêu thụ quả thanh long, đặc biệt là chế biên sản phẩm…
Mặt khác, huyện Hàm Thuận Nam đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức mô hình tham du lịch vườn thanh long. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 điểm tham quan nhà vườn thanh long đi vào hoạt động, phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Chín, chủ vườn thanh long ở Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, việc tham gia phục vụ khách du lịch không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần quảng bá trái thanh long, quảng bá du lịch. Để thực hiện, các chủ vườn tuân thủ rất nghiêm ngặt về quy trình trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn sản xuất và an toàn cho du khách. Bên cạnh việc thưởng thức các sản phẩm từ cây thanh long như ăn trái thanh long, uống nước ép thanh long và một số món ăn chế biến từ thanh long, khách tham quan còn được trực tiếp trải nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch thanh long…
Bà Mai Thị Ngọc Ảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam cho biết: loại hình tham quan vườn thanh long không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch mới về du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương mà còn góp phần giới thiệu giới thiệu, quảng bá trái thanh long huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của huyện.
Hồng Hiếu