Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Science ngày 15/9, cá chịu sức ép do tiếng ồn ít có khả năng chống chọi với dịch bệnh và việc phơi nhiễm tiếng ồn kéo dài có thể khiến chúng chết sớm. Đây là phát hiện mới nhất chỉ ra những hậu quả từ tiếng ồn do con người gây ra đối với thế giới tự nhiên.
Tiếng ồn do con người tạo ra lan tràn khắp các môi trường, từ động cơ của các phương tiện giao thông cho tới các âm thanh phát ra trong hàng loạt hoạt động công nghiệp. Ngay cả môi trường dưới nước cũng không phải là ngoại lệ với tiếng động cơ và các chân vịt của tàu thuyền được cho là gây nhiễu thiết bị định vị cá voi.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff của Anh nêu rõ ô nhiễm tiếng ồn đã được chứng minh dẫn tới việc gây mệt mỏi, mất thính lực, dẫn tới các thay đổi về hành vi cũng như làm giảm khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, các cách thức mà tiếng ồn tác động tới khả năng chống chịu dịch bệnh cho tới nay vẫn "bị ngó lơ".
Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu trên đã thử nghiệm tác động của tiếng ồn trắng ngẫu nhiên trong các bể cá để xác định độ nhạy cảm của cá bảy màu đối với việc nhiễm ký sinh trùng. Nhóm cá thứ nhất chịu tiếng ồn lớn trong 24 giờ, nhóm thứ hai chịu tiếng ồn trong vòng 7 ngày. Cá ở cả hai nhóm này đều mất cảm giác và nhiễm một loại ký sinh trùng. Trong khi đó, nhóm cá thứ 3 cũng chỉ nhiễm ký sinh trùng được đặt trong bể tĩnh, không chịu tác động âm thanh nào.
Kết quả thử nghiệm cho thấy các kết quả cá phơi nhiễm tiếng ồn lớn mắc bệnh nặng nhất trong giai đoạn 17 ngày theo dõi, cá ở nhóm thường xuyên phải chịu đựng tiếng ồn có khả năng chết cao hơn (vào ngày thứ 12), so với mức 14 ngày ở 2 nhóm còn lại.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết kết quả nghiên cứu trên đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm tiếng ồn và việc suy giảm sức khỏe của động vật. Do đó, nhóm nghiên cứu kêu gọi cần xử lý phù hợp vấn đề tiếng ồn do con người tạo ra như một "chất gây ô nhiễm chính trên toàn cầu".
Ngày càng có nhiều phát hiện về tác động của tiếng ồn do các hoạt động công nghiệp và phương tiện giao thông trong đời sống hằng ngày gây ra đối với sức khỏe không chỉ của con người mà với thế giới động vật. Trong một phân tích quy mô lớn tổng hợp các nghiên cứu đơn lẻ vào tháng 11 năm ngoái, các nhà khoa học tại Đại học Queen's Belfast (Bắc Ireland) nhận thấy rằng tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực tới các loài lưỡng cư, động vật chân khớp, các loài chim, cá, động vật có vú, động vật thân mềm và các loài bò sát.
Minh Tâm