Một nghiên cứu mới được công bố ngày 21/2 trên tạp chí Nature cho thấy cá voi Baleen (thuộc bộ cá voi tấm sừng hàm) có bộ phận cấu tạo đặc biệt khiến chúng phát ra được âm thanh như tiếng hát dưới nước, tuy nhiên cấu tạo này cũng khiến chúng dễ bị tổn thương vì ô nhiễm tiếng ồn do con người tạo ra.
Những giai điệu phức tạp của cá voi được ghi âm lần đầu tiên cách đây khoảng 50 năm. Những âm thanh này được cho là đóng một vai trò chủ chốt trong giao tiếp xã hội và sinh sản của loài động vật có vú khổng lồ sống dưới biển này.
Trong khi các loài cá voi có răng có một cơ quan phát âm ở mũi, cá voi Baleen lọc thức ăn qua các tấm bằng chất sừng và sử dụng thanh quản để phát âm. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học chưa tìm ra chính xác cách thức thanh quản này phát ra âm thanh.
Trong nghiên cứu trên, nhóm các nhà khoa học ở Đan Mạch, Áo và Mỹ đã kiểm tra thanh quản của 3 loài cá voi Baleen – sei, minke và lưng gù – bằng cách sử dụng kỹ thuật soi quét và mô hình hóa để tái tạo cách chúng phát ra âm thanh. Họ đã tìm thấy một số điểm khác biệt so với động vật có vú trên cạn, bao gồm cấu trúc hình chữ U thay vì dây thanh âm, cho phép chúng tạo ra các giai điệu tần số thấp.
Phát biểu với báo giới, tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Coen Elemans tại Đại học Nam Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này ở bất kỳ loài động vật nào khác. Đây là một sự thích nghi hoàn toàn mới lạ và chúng tôi cho rằng cấu tạo này cho phép những con cá voi to lớn này phát ra âm thanh trong nước trong lúc chúng gần như nín thở".
Nhưng các nhà khoa học cũng phát hiện một thách thức nghiêm trọng đối với cá voi: tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ tàu thuyền.
Các mô hình máy tính cho thấy âm thanh của cá voi tấm sừng có thể vang xa dưới nước, ở độ sâu tối đa 100 mét và tần số lên tới 300 Hz – chính là phạm vi tiếng ồn do tàu vận tải tạo ra. Điều này có nghĩa là trong khung cảnh đại dương ồn ào, những con cá voi giống như đang cố gắng nói chuyện với nhau trên một đường cao tốc đông đúc hoặc trong một bữa tiệc ồn ào. Và càng ở xa nhau chúng càng khó nghe được âm thanh của nhau.
Ông Elemans cho biết: “Đáng buồn là những âm thanh cá voi Baleen phát ra chồng lấn hoàn hoàn với những âm thanh chúng ta làm ồn bằng những hoạt động di chuyển của tàu thuyền, và không có cách nào để cá voi hát to hơn, ở tần số cao hơn hoặc ở vị trí sâu hơn trong nước. Vì vậy, chúng ta cần giảm thiểu tiếng ồn”.
Các nhà khoa học cảnh báo ô nhiễm tiếng ồn có thể buộc cá voi thay đổi hành vi, chẳng hạn như im lặng cho đến khi yên tĩnh trở lại, di chuyển đến vị trí khác hoặc cố gắng giao tiếp trong tiếng ồn - và như vậy sẽ khiến cá voi phải tiêu tốn thêm năng lượng, có thể làm thể trạng của chúng yếu đi và bị ảnh hưởng lâu dài, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc duy trì giống nòi.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo tác hại của ô nhiễm tiếng ồn không chỉ đối với cá voi. Có bằng chứng cho thấy nhiều loài sinh vật biển bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm tiếng ồn dưới nước. Bà Melanie Lancaster, chuyên gia cấp cao về các loài Bắc Cực tại Quỹ Động vật hoang dã thế giới, cảnh báo: “Tác động còn sâu rộng hơn nhiều, về cơ bản là ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái biển”.
Bích Liên