Nước xốt mù tạt - niềm tự hào của Dijon (Pháp)

Nước xốt mù tạt - niềm tự hào của Dijon (Pháp)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nói đến Dijon, người ta thường cảm thấy vị cay thơm nồng xộc lên mũi của nước xốt mù tạt óng vàng. Đây là đặc sản làm nên tên tuổi của địa phương này.

Nước xốt mù tạt - niềm tự hào của Dijon (Pháp) ảnh 1Khách chọn mua mù tạt tại cửa hàng Fallot ở Dijon (Pháp). Ảnh: Nguyễn Thu Hà - TTXVN

Bên cạnh nền công nghiệp rất phát triển, vẫn có nhiều gia đình còn giữ gìn và phát huy mô hình sản xuất thủ công truyền thống, tạo nên những thương hiệu nổi tiếng như Fallot, Maille, Reine de moutarde.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Pháp có hơn 160 nhà sản xuất mù tạt, trong đó Dijon là thủ phủ của đặc sản này từ thế kỷ XVIII. Sang cuối thể kỷ XX, do xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của chuỗi sản xuất và phân phối hàng loạt, số lượng các xưởng sản xuất thủ công và doanh nghiệp gia đình còn lại không nhiều. Hiện ở Dijon chỉ còn khoảng 10 gia đình lưu giữ được nghề truyền thống này.

Theo cô Caroline Riboteau, phụ trách sản xuất của công ty, Fallot chỉ có một xưởng sản xuất duy nhất ở Beaune từ hơn 180 năm nay. Mỗi năm Fallot sản xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm các loại, trong đó một nửa được xuất khẩu đi 70 nước trên thế giới. Khách hàng lớn nhất của Fallot là Mỹ, Đức, Nhật Bản. Cô Riboteau chia sẻ: “Mặc dù dây chuyền sản xuất đã được hiện đại hóa, nhưng Fallot vẫn duy trì phương pháp sản xuất mù tạt truyền thống với công thức gia truyền và tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn chặt chẽ. Đó chính là điều tạo nên thương hiệu và niềm tự hào của doanh nghiệp.

Nước xốt mù tạt - niềm tự hào của Dijon (Pháp) ảnh 2Giới thiệu mù tạt cho du khách tại cửa hàng Fallot ở Dijon (Pháp). Ảnh: TTXVN phát

Theo tài liệu lịch sử thành phố Dijon, từ thời Cổ đại, ở Hy Lạp và La Mã, món xốt thơm ngon này đã từng là gia vị yêu thích của những người có khẩu vị sành điệu. Người Trung Quốc cũng trồng nó từ 3.000 năm trước và là những người đầu tiên nghiền hạt và trộn chúng với dấm nho để làm món xốt hạt cải.

Tên gọi “mù tạt” ra đời từ thời Trung cổ, là sự rút gọn của cụm từ "mustum ardens" có nghĩa là "đốt cháy" vì vị cay nồng của nó. Món mù tạt đến với người Pháp vào thế kỷ XIII và nó được yêu thích đến nỗi Pháp trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ mù tạt nhiều nhất thế giới. Tuy vậy, nước này hiện cũng chỉ có khoảng 4.500 ha trồng cây cải. Theo khảo sát thị trường, Canada chính là nơi sản xuất hạt mù tạt hàng đầu thế giới và bản thân Pháp cũng phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước này.

Nước xốt mù tạt là thứ không thể thiếu trong các bữa ăn của hầu hết gia đình ở Pháp. Nước xốt này được ăn kèm với khoai tây và bánh mì, đồng thời là gia vị cho nhiều món ăn khác, đặc biệt là với các loại thịt đỏ như bò, cừu, dê. Nó cũng có thể tăng hương vị cay ngọt cho giăm bông, tăng sự đậm đà cho các loại thịt thỏ, thịt lợn, thịt gà hoặc thậm chí lấn át đi mùi tanh một số loại cá béo.

Từ những hạt cải nâu, dấm nho và muối, cùng một chút rượu vang trắng vùng Bourgogne, món xốt mù tạt đã trở thành thương hiệu tạo nên niềm tự hào của Dijon và các vùng lân cận, khiến du khách một khi đến nơi đây đều mua về thưởng thức hoặc làm quà tặng người thân.

Nguyễn Thu Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm