Nông dân 4.0 trên quê lúa Thái Bình

Nông dân 4.0 trên quê lúa Thái Bình

Nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nông dân tại Thái Bình đã và đang mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế. Điển hình là anh Phạm Xuân Thủy (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) với mô hình trang trại sử dụng công nghệ chuồng lạnh, bán tự động cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh cũng là nông dân tiêu biểu của tỉnh Thái Bình vinh dự nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" và Nông dân xuất sắc giai đoạn 2017-2022 do Trung ương Hội Nông dân trao tặng.

Hồi sinh cánh đồng hoang

Nhìn trang trại ven sông của anh Phạm Xuân Thủy không ai nghĩ nơi đây từng là cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người, nông dân không mặn mà canh tác. Từ một tiểu thương kinh doanh thức ăn chăn nuôi, năm 2012 khi nhận thấy việc chăn nuôi khó khăn, người dân bỏ không chuồng trại nhiều, cùng với chủ trương chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi của chính quyền địa phương, anh Thủy cùng gia đình mạnh dạn tích tụ hơn 1 ha để xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm. Cơ duyên đến với nghề chăn nuôi trang trại của anh Thủy xuất phát từ đó.

Nông dân 4.0 trên quê lúa Thái Bình ảnh 1Anh Phạm Xuân Thủy kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gà tại trang trại của gia đình. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Anh Thủy chia sẻ, nghĩ dễ nhưng bắt tay làm mới thấy khó khăn bộn bề. Cánh đồng bỏ hoang đã lâu, đường vào chưa được 1 mét nên mọi phương tiện ra vào đều không thuận lợi. Vì vậy, đầu tư, cải tạo mặt bằng phải đầu tư gấp đôi so với thông thường. Việc trước tiên anh Thủy nghĩ đến là làm con đường nhỏ từ trục chính dẫn vào trang trại của mình. Dành nhiều công sức và tâm huyết, hình hài của một trang trại từ vùng đất hoang hóa ngày nào cũng dần được hình thành. Từ ba trại gà công nghiệp với quy mô 30.000 con, đến nay anh Thủy đã mở rộng diện tích lên 7 ha với 11 trại nuôi gà, hai trại lợn khép kín, quy mô khoảng 160.000 - 180.000 con gà thịt, gần 1.000 con lợn/lứa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Để có cơ ngơi như hôm nay, trong hơn 10 năm chuyển đổi từ nghề buôn bán sang chăn nuôi trang trại, anh Thủy đã phải trải qua nhiều lần thất bại. Chính những lần vấp ngã đó đã cho anh nhiều kinh nghiệm hơn. Điển hình như năm 2019, dịch bệnh tả lợn châu Phi hoành hành. Giống như nhiều trang trại khác, anh Thủy thiệt hại trên 1 tỷ đồng do lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Từ đó, anh đúc rút ra cần phải thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Anh Thủy cho biết, để chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, anh đầu tư hệ thống tường bao, ngăn chặn sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài và kết hợp thực hiện phòng, chống tốt từ bên trong trang trại, bố trí phòng thay đồ cho nhân công, hố nước sát trùng trước cổng, cùng biển hiệu, chỉ dẫn cụ thể… Đồng thời, anh thực hiện các quy trình thức ăn, nước uống, phòng bệnh, hệ thống sổ sách quản lý, theo dõi hàng ngày. Chuồng nuôi được thiết kế theo quy trình khép kín với hệ thống làm lạnh bên trong, hệ thống máng nước tự động, khay thức ăn được sắp xếp hợp lý. Tất cả hoạt động kiểm tra, giám sát đều được thực hiện qua hệ thống camera, giải phóng sức lao động và tăng hiệu quả quản lý, sản xuất.

Từ tiểu thương chuyển sang làm trang trại với một tư duy mở, không ngừng trau dồi và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nông dân Phạm Xuân Thủy đã làm giàu từ chính mảnh đất quê hương và trở thành một trong những nông dân 4.0 tiêu biểu của tỉnh Thái Bình.

Nông dân tỷ phú 

Hiện tại, trang trại của nông dân Phạm Xuân Thủy có thế mạnh nuôi lợn, gà thương phẩm quy mô lớn của huyện Vũ Thư nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Hơn một năm qua, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất song trang trại của anh Thủy vẫn duy trì ổn định, cho lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng/năm. Đây là mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi trang trại thông thường. Trang trại của anh Thủy còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng.

Không dừng ở việc đơn thuần chăn nuôi trang trại, anh Phạm Xuân Thủy đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Anh chia sẻ, thời gian tới, anh cùng với các cộng sự sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh nông sản để đáp ứng nhu cầu đầu ra cho trang trại của gia đình đồng thời giúp tiêu thụ nông sản của địa phương, trong đó mục tiêu trước mắt là các sản phẩm thế mạnh như trứng, gà thịt, lợn và gạo.

Nông dân 4.0 trên quê lúa Thái Bình ảnh 2Anh Phạm Xuân Thủy kiểm tra hệ thống cho gà ăn, uống tự động tại trang trại của gia đình. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Cùng với sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, không ngừng tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường kinh doanh, gia đình anh Phạm Xuân Thủy còn là một gia đình tiêu biểu trong các phong trào của địa phương như ủng hộ 120 triệu đồng xây dựng đường trục thôn, đường trục xã, giao thông nội đồng; ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" hàng năm từ 7 đến 10 triệu đồng; quỹ "Vì người nghèo" 5 triệu đồng/năm; Quỹ Khuyến học 5 triệu đồng/năm; tặng quà dịp lễ, tết cho các hộ nghèo, cận nghèo của địa phương số tiền 10 triệu đồng/năm. Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, gia đình anh Thủy đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 số tiền và hiện vật trị giá 145 triệu đồng. Đây là tấm lòng cũng như sự tri ân của anh với quê hương, nơi giúp anh có cơ nghiệp như ngày nay.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình nhận định, bằng cách làm sáng tạo, nghĩ lớn làm lớn cùng với mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, mô hình trang trại của anh Thủy đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Anh Phạm Xuân Thủy là một trong những điển hình của nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương, góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh của người nông dân mới, nông dân thông minh, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh trong tương lai.

Thu Hoài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm