Ninh Thuận tìm giải pháp tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi

Ninh Thuận tìm giải pháp tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi

Ninh Thuận hiện có tổng đàn gia súc trên 485.600 con, để đàn gia súc phát triển ổn định, người chăn nuôi đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đảm bảo nguồn thức ăn, tích cực phòng, chống dịch bệnh và liên kết chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế từ hoạt động chăn nuôi.

Thường thường vào lúc 7 giờ 30 sáng, anh Châu Văn Hùng khẩn trương lùa đàn cừu gần 200 con từ xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) đi sâu vào các cánh đồng ở xã Phước Trung (huyện Bác Ái) để chăn thả. Anh Hùng cho biết, việc di chuyển đàn gia súc chạy đồng hàng chục km rất vất vả. Thời tiết những ngày này rất nóng bức khiến gia súc dễ kiệt sức, nhưng cũng không còn giải pháp nào hơn bởi diện tích trồng cỏ ở nhà không đủ, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nên bà con phải chịu khó đi tìm nơi có cỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được chỗ thuận lợi vì những người chăn cừu khác cũng rốt ráo tìm.

Ninh Thuận tìm giải pháp tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ảnh 1 Người chăn nuôi ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải di chuyển đàn cừu đến các đồng cỏ để chăn thả. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thời tiết nắng nóng nên việc thả cừu đi ăn sớm là điều tất yếu, tuy nhiên nắng nóng kéo dài làm cho các đồng cỏ khó phát triển, trong khi đó lượng gia súc lại tập trung khá đông nên nguồn cỏ chóng cạn kiệt. Bà Pi Năng Thị Hán (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) cho hay, đàn bò ở nhà gần chục con với đàn cừu các nơi dồn về các chân ruộng tìm các gốc rơm rạ sau thu hoạch để ăn. Trước đây, các cánh đồng cỏ còn nhiều thì chỉ khoảng nửa buổi là đàn bò căng bụng nhưng nay phải tìm chỗ thả đến chiều tối mới lùa về, lúc đó bò mới ăn no.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2016 đến nay, chăn nuôi có bước phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và giá trị, đóng góp hơn 17% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi cũng đang gặp phải không ít khó khăn như: đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, mùa khô với thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến nguy cơ thiếu thức ăn thô xanh cho gia súc.

Để ứng phó trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các hộ chăn nuôi đã linh hoạt phối hợp các nhóm thức ăn thô và tinh, sử dụng thức ăn tổng hợp để vỗ béo bò, dê, cừu. Một số cơ sở chăn nuôi đã triển khai một số mô hình trồng, chế biến ngô sinh khối thành thức ăn chăn nuôi để phục vụ gia súc.

Ninh Thuận tìm giải pháp tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ảnh 2Người chăn nuôi ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái lùa đàn bò đến các chân ruộng còn gốc rơm rạ để chăn thả. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tuy vậy, số hộ thực hiện mô hình vỗ béo và bổ sung thức ăn khoáng và vi lượng cho gia súc còn chiếm tỷ lệ thấp. Nguồn cỏ tự nhiên chủ yếu dựa vào diện tích đất lâm nghiệp ước khoảng từ 35.000 - 40.000 ha chỉ mới đáp ứng được từ 23-24% nhu cầu thức ăn. Nguồn phụ phẩm trồng trọt chủ yếu là rơm, rạ, thân, cành, lá của lúa, bắp, nho, táo đáp ứng được từ 11-12% nhu cầu thức ăn cho đàn gia súc.

Nhu cầu về đồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc rất lớn, tuy tỉnh Ninh Thuận đã có quy hoạch đồng cỏ cho phát triển chăn nuôi nhưng việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn, đất canh tác, thiếu nước...

Theo ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ với mục tiêu là phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò.

Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tham mưu các giải pháp đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi. Đối với chăn nuôi nông hộ cần tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm thức ăn chăn nuôi, kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đối với chăn nuôi trang trại thực hiện các hợp đồng cung ứng thức ăn chăn nuôi, khuyến khích xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến thức ăn tại vùng nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất thức ăn, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ phát triển.

Ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh vận động nông dân chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ và cây thức ăn cho chăn nuôi bò, dê, cừu, phấn đấu đến năm 2030 diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đạt 3.553 ha. Hằng năm xây dựng kế hoạch trồng cây thức ăn, dự trữ chế biến thức ăn chăn nuôi bằng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm giảm giá thành trong chăn nuôi.

Đồng thời, vận động nông dân trồng cỏ thâm canh các giống cỏ phù hợp với khí hậu của tỉnh như VA06, cỏ sả lá lớn có năng suất 200 tấn chất xanh/ha đủ nuôi thâm canh từ 13-15 con bò thịt hoặc bán thâm canh từ 20-30 con; cỏ hỗn hợp và các loại cỏ năng suất cao 350-500 tấn/ha/năm, có thể nuôi 20-30 bò thịt. Bên cạnh đó, tận dụng đất trống để trồng cây keo dậu làm thức ăn cho dê, cừu.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chú trọng đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về kiến thức chăn nuôi thông qua các hoạt động khuyến nông, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn chế biến các loại thức ăn, phụ phẩm nông nghiệp cho gia súc, chủ động tiêm phòng trên đàn gia súc… để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Xác định rõ vai trò đột phá của chăn nuôi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 nhằm tập trung phát triển các loại vật nuôi chủ lực trên địa bàn với tổng kinh phí dự kiến hơn 743 tỷ đồng. Một trong những mục tiêu chính đến năm 2025, Ninh Thuận sẽ phát triển quy mô đàn cừu lên 150.000 con, đàn dê đạt 130.000 con, đàn bò đạt 150.000 con và đàn lợn đạt 150.000 con.

Đến năm 2030, tỉnh nâng tổng đàn cừu lên 220.000 con, sản lượng thịt cừu tăng bình quân từ 4- 5%/năm; đàn dê đạt 160.000 con, sản lượng thịt dê tăng bình quân 3,5%/năm; phát triển đàn bò lên 200.000 con, sản lượng thịt bò tăng 7,5%/năm và đàn lợn đạt 200.000 con với sản lượng lợn thịt đạt 22.000 tấn/năm.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm