Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền vừa ký ban hành kế hoạch số 1363/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Ninh Thuận đặt ra một số chỉ tiêu chính, đó là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-5%/năm; có ít nhất 3 sản phẩm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc thù được xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu nâng cao thu nhập người dân đến năm 2030 tăng gấp 3 lần so với 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân ít nhất 1,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 80%; có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Địa phương sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp xanh thích ứng biến đổi khí hậu và phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%.
Đến năm 2050, Ninh thuận sẽ trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, thân thiện môi trường. Khu vực nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, mục tiêu của kế hoạch nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững; tích hợp đa giá trị trong kinh tế nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác thông qua chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và số hóa nông nghiệp, qua đó thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, có sức cạnh tranh cao, bền vững.
Để đạt các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, ưu tiên tập trung thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng vùng, địa phương cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, gắn với số hóa vùng trồng.
Tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ninh Thuận tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Đơn vị liên quan phối hợp các địa phương đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, mô hình nông nghiệp tiên tiến gắn với du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; vận động doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động để từng bước giảm tình trạng di cư lao động ra khỏi khu vực nông thôn.
Ninh Thuận tập trung xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tỉnh phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, quy ước, hương ước, thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm tạo động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch, phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chương trình, phong trào có bước chuyển biến mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy nội lực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đến cuối năm 2021, Ninh Thuận có 29/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,7% kế hoạch, 6 xã đạt chuẩn nâng mới nâng cao. Hai huyện Ninh Phước và Ninh Hải đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều địa phương được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng thiết yếu điện - đường - trường - trạm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị phát huy hiệu quả, được nhân rộng. Hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, nước sạch, môi trường nông thôn tiếp tục được cải thiện và từng bước nâng cao.
Nguyễn Thành