Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam tại cuộc tọa đàm nho và vang Ninh Thuận được UBND tỉnh tổ chức chiều 26/4/2019.
Quang cảnh buổi tạo đàm. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Tại buội tọa đàm, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người trồng nho ở Ninh Thuận đã cùng tập trung thảo luận, trao đổi, đề xuất các giải pháp để nghề trồng nho thực sự phát triển bền vững; đồng thời, giá trị cây nho mang lại sẽ góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người trồng nho và sản phẩm nho sau chế biến mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Công ty Ladora Foods, thời gian qua công ty đã triển khai dự án trồng nho rượu tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) với kỹ thuật trồng mới (trồng và tạo tán nho kiểu hàng rào) với diện tích 20 ha. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất nho thu hoạch đạt khá cao. Công ty cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang tại địa phương bằng công nghệ tiên tiến của thế giới, công suất 4,5 triệu lít/năm, đảm bảo chất lượng, an toàn. Bà Doãn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc nhà máy Ladora Winery (Công ty Ladora Foods) cho biết, điều đáng tự hào đó là sản phẩm rượu vang của Ladora Foods sản xuất đã được chọn làm thức uống chính thức chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia tại hội nghị thượng định APEC 2017.
Tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng đầu tư phát triển để nâng tầm vị thế, giá trị cây nho. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Tuy nhiên, cái khó hiện nay đó là để sản xuất rượu vang đến giờ công ty vẫn dùng nguồn nguyên liệu nho ăn trái (giống nho Cardinal) là chủ yếu. Mặc dù, chất lượng sản phẩm có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn có chút hạn chế so với rượu vang ở các nước như Pháp, Ý, Chile, Úc... Vì vậy, để có sức cạnh tranh sản phẩm rượu vang ngoại nhập, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu phù hợp, có chất lượng là rất cần thiết. Do đó Công ty Ladora Foods mong muốn các nhà khoa học, các ngành chức năng cần có giải pháp lai tạo giống nho, cho ra giống nho mới có chất lượng. Bên cạnh đó. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cần tạo thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng diện tích đầu tư trồng nho, đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến. Bởi hiện nay, để có nguồn nguyên liệu, công ty phải liên kết với người dân có đất để trồng nho, như thế sẽ mất đi tính chủ động trong sản xuất. Các nhà khoa học dự tọa đàm cho rằng, để phát triển trồng nho hiệu quả, tỉnh cần tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất phù hợp với thực tế đất đai từng khu vực, đảm bảo khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, ưu tiên quy hoạch vùng trồng tập trung, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.
Nhiều nhà vườn ở Thái An, huyện Ninh Hải trồng nho kết hợp với làm du lịch trải nghiệm tham quan vườn nho. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Bên cạnh đó tiếp tục mở rộng quy hoạch vùng trồng nho an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua giải pháp hỗ trợ hộ dân sản xuất; đồng thời, tập trung phát triển các giống nho mới có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, giống nho tốt là yếu quan trọng tạo ra sản phẩm chất lượng. Tuy vậy, đến nay Ninh Thuận chỉ có một vài loại giống được thị trường chấp nhận. Đa số nông dân trồng nho hiện nay vẫn còn sử dụng giống cũ, chất lượng và giá thành sản phẩm thấp, đây đang là trăn trở của ngành nông nghiệp. Để cây nho Ninh Thuận phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng tham mưu những giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá về khoa học - công nghệ và chính sách phát triển để tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư cho nghề này. UBND tỉnh Ninh Thuận mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hợp tác, hiến kế của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chương trình phát triển cây nho Ninh Thuận đạt được mục tiêu đề ra là sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị, để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng đầu tư phát triển để nâng tầm vị thế, giá trị cây nho. Trên cơ sở tiềm năng diện tích có khả năng trồng nho gần 8.000 ha, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng nho an toàn với quy mô hơn 2.500 ha; xây dựng 3 vùng sản xuất nho chất lượng cao, quy mô 100 ha. Hướng tới phát triển nghề trồng nho bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích nông dân triển khai những mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP; áp dụng các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý; chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ vi sinh; nhân giống nho mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng thu nhập cho người trồng nho.
Tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích nông dân triển khai những mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Nghề trồng nho và chế biến sản phẩm từ nho đang phát triển lên tầm cao mới. Hiện nay, ở Ninh Thuận có đến 57 cơ sở sản xuất các sản phẩm nho rượu, vang nho và 5 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất vang nho, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn lít. Công tác quảng bá sản phẩm nho cũng được chú trọng, giới thiệu rộng rãi, thông qua các chương trình kết nối “cung - cầu”, tham gia hội chợ, triển lãm…/.
Công Thử
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN