Papua New Guinea là quốc gia ở nửa phía đông của đảo New Guinea, tây nam Thái Bình Dương, có diện tích 452.100 km2, dân số khoảng 8.481.976 người. Đa số thổ dân ở Papua New Guinea đều xem lợn như một vật giáo, có bộ tộc lấy mỡ lợn trộn với tro bếp xoa lên mặt để biểu thị sự dũng mãnh; có một số tộc trưởng còn xâu lỗ trên mũi mình rồi cắm chiếc răng lợn rừng vào đấy để tượng trưng cho quyền uy.
Một trong số những đồ vật có giá trị nhất của một người đàn ông của bộ tộc Chimbu tại Papua New Guinea là lợn. Một con lợn thường được làm thịt để kỷ niệm các sự kiện như đám cưới, đám ma hoặc khi một em bé chào đời. Khi cử hành hôn lễ, nhà trai phải dâng cho nhà gái mấy con lợn béo với số lượng lợn phụ thuộc vào giá trị người con gái. Nếu cô gái vừa đẹp lại vừa ngoan nết thì nhà trai phải dắt tới 7 - 8 con lợn là ít.
Kỳ lạ hơn nữa là người Papua New Guinea thường để lợn ở trong nhà với người như chó và mèo.
“Tết của lợn” ở nước Pháp
“Tết của lợn” ở nước Pháp được tổ chức tại Chợ Cũ thuộc thị trấn Trie Sur Baise (tỉnh Hautes-Pyrénées trong vùng Occitanie khu vực tây nam nước Pháp). Vào ngày chủ nhật và thứ hai tháng 8 hằng năm. Thị trấn Trie Sur Baise là nơi có những trang trại nuôi lợn lớn nhất nước Pháp. Mục đích của lễ hội này nhằm tôn vinh con vật gần gũi và mang lại nhiều lợi ích cho con người. Trong dịp lễ hội, hương thịt lợn nướng của các bữa tiệc tỏa khắp thị trấn, mọi cửa hàng trang trí đầy họa tiết hình các chú lợn. Mọi người tham gia vào cuộc thi hóa trang, diễn mô phỏng vòng đời của một chú lợn. Cuộc đua lợn cũng là một hoạt động vui nhộn thu hút nhiều sự chú ý tại đây. Một trong những hoạt động vui vẻ là “nhái tiếng lợn”. Người giành ngôi quán quân được thưởng một con lợn quay to nhất. Những người đến dự hội phải cùng nhau ăn hết một lạp xưởng dài 2.000 m, 3000 suất thịt lợn khá dày và 500 kg dăm bông.
Đua lợn là một hoạt động vui nhộn tại thị trấn Trie Sur Baise (Pháp). Ảnh: Internet |
Ở Đức, lợn là con vật mang lại may mắn và hạnh phúc
Trong văn hóa nước Đức, lợn nuôi được coi là con vật có thể mang lại may mắn và hạnh phúc. Tham dự vào buổi tiệc có thịt lợn vào đêm Noel ở nước Đức có ý nghĩa ngăn ngừa quỷ dữ và mang lại thịnh vượng, tiền tài cho năm mới. Trong quan niệm của người Đức, ai sở hữu nhiều lợn thì chứng tỏ người đó giàu có về mặt vật chất và sẽ ngày càng sung túc hơn ở tuổi trung niên. Chính vì vậy, thịt lợn là thực phẩm phổ biến nhất tại nước này. Trung bình mỗi công dân Đức tiêu thụ 52,1 kg thịt lợn mỗi năm.
Thiên đường đảo lợn Bahamas
Quần đảo Bahamas là quốc gia nói tiếng Anh tại Tây Ấn, nằm trong Đại Tây Dương ở phía đông Hoa Kỳ, phía bắc Cuba và vùng Caribe, phía tây lãnh thổ phụ thuộc Anh, Turks và đảo Caicos. Đảo Bahamas nổi tiếng là đảo lợn, đơn giản vì hòn đảo này có rất nhiều lợn, những chú lợn ở nơi đây không chỉ bơi giỏi, thân thiện lại còn biết xin ăn! Du khách đến đây sẽ được “bơi thi” với những chú lợn. Một số con lợn đốm biết nghe lệnh “ngồi xuống” để được thưởng đồ ăn. Chúng còn bơi ra các tàu chở khách tham quan để xin ăn.
Những chú lợn ở Quần đảo Bahamas không chỉ bơi giỏi, thân thiện lại còn biết xin ăn. |
Lợn tượng trưng cho giông bão và gắn liền với thần Seth
Trong lịch sử Ai Cập cổ, lợn tượng trưng cho giông bão và gắn liền với thần Seth, anh em tội lỗi của thần Osiris. Trong giai đoạn mà việc thờ cúng thần Osiris thịnh hành, chính quyền cấm người dân ăn thịt lợn. Nhưng về sau, dưới triều đại của vua Seti (được coi là con cháu của thần Seth) và Rameses, lệnh cấm được dỡ bỏ và thịt lợn lại trở thành món ăn yêu thích. Truyền thuyết Hy Lạp cổ đại kể rằng lợn là con vật yêu thích của Demeter - nữ thần cai quản mùa màng và việc đồng áng ở hạ giới. Đây là vị thần linh thiêng nhất đối với người Hy Lạp. Ngay từ thời cổ đại, người ta đã dùng lợn để hiến tế nữ thần này. Sự chuyển hóa ma thuật biến con người thành lợn xuất hiện trong nhiều câu chuyện thần thoại, chẳng hạn trong thiên sử thi Odysseus của Homer. Trong câu chuyện này, đoàn thủy thủ của con tàu anh hùng bị nữ thần Circe biến thành lợn.
Trang điểm cho “ông lợn” trong lễ hội ở Hà Nội
Cứ đến ngày 13 tháng Giêng hằng năm, dân làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) có truyền thống trang điểm cho “ông lợn” và rước vào đình làng.
Theo truyền thống lâu đời, Hội rước lợn làng La Phù là dịp tưởng nhớ Tĩnh Quốc, vị anh hùng của làng dưới thời Hùng Vương. Trong truyền thuyết, người dân trong vùng thường mang lợn đến dâng để tỏ lòng biết ơn và tôn Tĩnh Quốc là Thành Hoàng làng. Vào dịp này, 17 “ông lợn” được người dân nơi đây mổ thịt, trang điểm rước quanh làng. “Ông lợn” được chọn phải hội đủ các yếu tố: trắng trẻo, sạch sẽ, không đánh lông trước khi đổ nước sôi, mắt có màu trắng. Cách trình bày “ông lợn” cũng phải đẹp mắt, đầu không cao quá hay thấp quá, mặt phải tươi, không ủ rũ.
Theo baodaklak.vn