Mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng vùng cao Lào Cai. Trong hơi sương lạnh, những cánh hoa đào phớt hồng, chùm mận trắng vươn mình khoe sắc cùng gió núi. Khắp các làng trên, xóm dưới rộn rã không khí chuẩn bị cho một mùa lễ hội tưng bừng với những nghi lễ độc đáo, những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, mỗi dân tộc ở Lào Cai đón năm mới với phong tục tập quán riêng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, tạo nên một bức tranh đa sắc màu của 25 dân tộc anh em vùng biên giới.
* Rực rỡ tục "chỉa đeng"
Trên những dãy núi trùng trùng điệp điệp, sương mây hòa quyện vào nhau. Trong nếp nhà sàn có tuổi đời “vắt ngang” hai thế kỷ nằm bên con suối tại thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn, Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Quản cho biết: Một trong những phong tục đón Tết Nguyên đán độc đáo của người Tày ở Lào Cai đó là tục "chỉa đeng", tức dán giấy đỏ lên bàn thờ, vào mọi dụng cụ lao động, sinh hoạt, từ nhà tới chuồng trại, cây cối xung quanh... Người ta dán giấy đỏ vào cây cối với mong muốn mùa xuân chúng sẽ đâm chồi nảy lộc, năm mới bội thu. Dán giấy đỏ vào đồ dùng, vật dụng lao động để đánh thức chúng dậy, chuẩn bị cho một mùa vụ sản xuất mới.
Theo truyền thống của người Tày, vào những ngày cuối cùng của năm (ngày 29 hoặc 30 Tết), người đàn ông là chủ gia đình sẽ dọn sạch sẽ nhà cửa, với quan niệm quét đi những điều xấu, rủi ro của năm cũ. Sau đó thực hiện cúng thần linh trong nhà và làm nghi lễ dán giấy đỏ cầu may. Trước khi cúng, chủ nhà mổ lợn, gà, sắp một mâm cỗ rồi thắp hương khấn xin phép thần linh thổ địa và tổ tiên được lau dọn bàn thờ; tiếp đó sẽ khấn xin phép thực hiện nghi lễ "chỉa đeng" dán giấy đỏ cầu may và mừng tuổi đồ vật, nông cụ trong nhà.
Đầu tiên, người ta dán giấy đỏ vào các ống hương, sau đó chọn một cây cột chính trong nhà để dán. Tiếp theo sẽ xuống bếp dán vào vị trí chính giữa của bếp đun thường ngày rồi đến các vật khác như nồi nấu rượu, cối xay ngô, cối giã bánh dày cùng các nông cụ như dao, cuốc, cày… Cuối cùng dán vào cây cối xung quanh nhà. Toàn bộ ngôi nhà sẽ được nhuộm sắc đỏ rực rỡ.
Nghi lễ dán giấy đỏ của người Tày nhằm cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, sung túc, đủ đầy, đồng thời cũng xem như sự tri ân công cụ sản xuất. Theo quan niệm của đồng bào Tày, mỗi một mảnh giấy đỏ là thông báo cho dụng cụ đã lao động vất vả trong năm qua được nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Đồng thời, đồng bào Tày cũng gửi gắm vào các nông cụ những mong muốn rằng sau ngày nghỉ Tết, nông cụ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới khi cùng gia chủ tham gia lao động, sản xuất. Bên cạnh ý nghĩa về mặt tâm linh, cùng nhau thực hiện nghi lễ cũng là dịp để cả gia đình quây quần, làm cho ngày Tết càng thêm ấm cúng, hạnh phúc.
Đã trở thành thông lệ, cứ đến ngày cuối cùng của năm, đi học xa trở về, anh Hoàng Đức Hùng (xã Khánh Yên Hạ) lại cùng bố mẹ ngồi cắt giấy đỏ để để chuẩn bị cho nghi lễ "chỉa đeng". Hùng cho biết, Tết là dịp để học hỏi và tìm hiểu thêm về các phong tục của dân tộc mình. "Từ việc hiểu rõ, thế hệ trẻ sẽ thêm yêu và tiếp nối sợi dây truyền thống của cha ông từ nghìn đời nay để lại", Hoàng Đức Hùng chia sẻ.
Không chỉ đối với đồng bào Tày, những tờ giấy đỏ thắm để cầu may cũng là nghi lễ từ cổ xưa vẫn được trân trọng gìn giữ của một số dân tộc khác như: Giáy, Mông, Nùng... Tuy cách thức thực hiện có đôi chút khác nhau song đều gửi gắm mong ước về một năm mới với nhiều thành công hơn trong cuộc sống, gia đình, thôn bản luôn được hạnh phúc và bình an.
* Rộn rã tiếng chày giã bánh ngày Tết
Phong tục đón Tết cổ truyền dân tộc được cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai gìn giữ qua các thế hệ để gia đình, cộng đồng thêm gắn kết, xây dựng bản làng no ấm. Những ngày sát Tết, ghé chân tới bất kỳ một bản người Mông nào ở Lào Cai, tiếng chày giã bánh dày là âm thanh phổ biến, quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận. Tiếng chày xen lẫn tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như tu lu (đánh cù), ném pao làm không khí Tết thêm rộn ràng. Công việc chuẩn bị Tết được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu, nút chỉ cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện Tết. Còn cánh đàn ông lại tất bật mổ gà, mổ lợn, chuẩn bị đồ ăn Tết cho gia đình.
Theo phong tục cổ xưa của người Mông, trong năm, đồng bào ăn Tết cổ truyền vào cuối tháng 11, đầu tháng Chạp. Nhưng tục lệ này nay đã không còn. Hiện nay, người Mông ăn Tết Nguyên đán như các dân tộc khác. Đối với người Mông, lễ vật dâng cúng tổ tiên và trời đất vào ngày Tết không thể thiếu bánh dày (rúa tua) được giã to như cái đĩa tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng - nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất - theo quan niệm của đồng bào Mông. Lễ cúng được thực hiện liên tục từ tối 30 đến mùng 3 Tết.
Ngày cận Tết, chị Vàng Thùy Dung, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát lại cùng bà, mẹ trong gia đình tất bật đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày. Chị Dung cho biết, công việc cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn rất vất vả và tốn nhiều sức lực nên sẽ do những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong gia đình đảm đương. Những hạt nếp đã được giã mịn và quyện vào nhau sẽ được gói lại bằng lá chuối theo hình tròn. Sau khi hoàn thành, gia đình chị sẽ bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm để dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.
Người Mông không đón Giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm. Bởi họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Văn hóa đón Tết ở mỗi dân tộc ở Lào Cai đều có sự tương đồng thú vị đồng thời cũng có những nét riêng độc đáo. Điển hình, người Hà Nhì, người Dao trong lễ cúng Tết nhất thiết phải mổ lợn. Tuy nhiên, đối với người Hà Nhì, món ăn để cúng ngoài thịt lợn, còn có bánh giày đen, bánh giày trắng và bia Hà Nhì. Ngoài ra, vào sáng mùng 1, mọi gia đình Hà Nhì đều đến giếng làng để lấy nước. Họ quan niệm lấy nước đầu năm mới sẽ mang đến vận may sung túc cho gia đình cả một năm.
Còn với gia đình người Dao, nếu có điều kiện sẽ mổ từ 2 đến 3 con lợn, hoặc ít nhất cũng phải một con để làm 2 đến 3 mâm cơm cúng Tết. Đối với người Nùng, điều đặc biệt là từ khi bắt đầu đón Giao thừa cho đến hết ngày mùng 3 Tết, mọi công việc trong gia đình đều do người đàn ông thực hiện, các bà mẹ, người vợ, người con gái được nghỉ ngơi.
Cùng với các nghi lễ trong gia đình, những hoạt động vui chơi ngày hội Xuân trên vùng cao Lào Cai còn khiến lòng người thêm rộng mở trong không gian ngập tràn tiếng khèn, tiếng sáo, bên cánh đồng bạt ngàn cải trắng như mây nơi sườn núi; nơi chồi xanh non nhú lên từ những gốc đào đã "mốc" lên màu thời gian. Trong không khí vui tươi và rộn ràng, gác lại những mất mát, đau thương do thiên tai của năm cũ, mỗi người dân vùng cao Lào Cai đang phơi phới niềm tin về một năm mới Ất Tỵ hạnh phúc và đủ đầy hơn.
Hương Thu