Nằm ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc, Yên Bái là tỉnh miền núi có 30 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú. Một trong những dân tộc gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo phải kể đến dân tộc Dao.
Dân tộc Dao ở Yên Bái có 4 nhóm là Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao nga hoàng và Dao làn tuyển. Từ bao đời nay, người Dao đỏ luôn gìn giữ, bảo tồn nghề thêu thổ cẩm truyền thống với các hoa văn, cách bài trí cùng gam màu sắc rực rỡ, nổi bật tạo nên bộ trang phục mang nét đặc sắc riêng.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao đỏ trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ và trắng. Hệ thống hoa văn đó có nhiều họa tiết và chia làm các loại chính như: hoa văn thực vật, hoa văn động vật và hoa văn đồ vật. Các hoa văn chủ yếu là thêu tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên phần lớn do nữ giới đảm nhận. Người phụ nữ Dao đỏ có cách thêu rất độc đáo, không theo mẫu mà thêu theo trí tưởng tượng của mình.
Người Dao đỏ quan niệm mỗi một họa tiết trên bộ trang phục truyền thống thể hiện những tâm tư, tình cảm, nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc và đòi hỏi sự tỷ mỷ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ.
Đều đặn vào các ngày cuối tuần, nghệ nhân ưu tú người Dao Triệu Thị Nhậy ở thôn Hai Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) tập hợp chị, em trong thôn để hướng dẫn cách thêu thổ cẩm và làm một bộ trang phục của dân tộc Dao đỏ. Qua mỗi buổi hướng dẫn đã giúp chị em hiểu thêm về cách thêu từng họa tiết thổ cẩm, góp phần lưu giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc.
Bà Lý Thị Sín, xã Phúc Lợi tâm sự, bộ trang phục của người Dao rất đẹp, nhưng thời gian trôi đi bị mai một, ít người biết thêu thùa và ít người mặc. Sau khi được bà Nhậy tuyên truyền vận động, chị em phụ nữ trong thôn đã cùng nhau thêu thùa may cho mình bộ trang phục để đi đám cưới, đi lễ hội và mặc trong ngày Tết. Nhờ đó, chị em trong thôn đều rất vui và thích thêu khi có thời gian rảnh.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy cho biết, là người con dân tộc Dao, bà không thể bỏ quên trang phục của dân tộc mình. Vì vậy, bà đã khôi phục lại nghề thêu và thành lập tổ thêu thổ cẩm nhằm tuyên truyền cho chị em hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của bộ trang phục người Dao; vận động chị em phụ nữ cùng nhau thêu cho bản thân, gia đình những bộ trang phục đẹp đúng bản sắc dân tộc.
Tại huyện Văn Chấn, từ khi còn nhỏ chị Lý Thị Chiệp, ở thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được mẹ thêu, may cho những bộ trang phục đẹp. Lớn lên chị Chiệp được mẹ dạy thêu từng nét hoa văn. Nhờ say mê, ham học hỏi nên chị hiện không chỉ thêu giỏi mà còn có thể cắt, may được quần áo nam, nữ và làm các phụ kiện trang phục truyền thống.
Năm 2019, chị Lý Thị Chiệp mạnh dạn lập một nhóm thêu, may thổ cẩm thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành gồm 5 chị em tham gia. Các thành viên trong nhóm chủ yếu tranh thủ thêu vào những lúc nhàn rỗi, buổi tối. Chị Lý Thị Chiệp chia sẻ: "Mình nghĩ người Dao cần phải lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những bộ trang phục, để không bị mai một. Với suy nghĩ đó mình đã lập một nhóm thêu thổ cẩm và chủ yếu làm ra những sản phẩm quần, áo, khăn".
Ngoài duy trì nhóm thêu, chị Chiệp còn mời một số người cao tuổi truyền dạy kỹ năng, kinh nghiệm thêu, may cho thế hệ trẻ. Gần 20 tuổi đời, chị Triệu Thị Diện rất đam mê với nghề thêu thổ cẩm. Khi rảnh rỗi chị Diện đến với nhóm để học thêu, chị cảm thấy tự hào mình là người con dân tộc Dao đỏ.
Từ những bàn tay khéo léo của phụ nữ Dao, những sản phẩm có mẫu mã đẹp và chất lượng ngày càng có nhiều người biết đến và đặt mua. Ngoài thêu và may, nhóm thêu thổ cẩm còn bày bán các sản phẩm, phụ kiện của bộ trang phục đầy đủ như: chỉ thêu, hạt cườm, chỉ bông, vòng cổ, vòng tay, chuông nhỏ, xà tích, thắt lưng, yếm, khăn...
Chị Dương Thị Văn, Công chức văn hóa xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cho biết, những năm trước đây, các bà, các mẹ chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm những bộ trang phục phục vụ cho bản thân và gia đình. Những năm gần đây, khi nhu cầu của người dân ngày càng cao đã hình thành những tổ nhóm thêu trang phục dân tộc Dao. Xã cũng khuyến khích các tổ nhóm liên kết với nhau để đưa những sản phẩm trang phục dân tộc Dao không chỉ phục vụ bà con trong địa bàn mà còn bán cho những người có nhu cầu ở ngoài xã.
Người Dao đỏ nói riêng và người Dao ở Yên Bái nói chung đã và đang giữ gìn, phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống kết hợp với làm trang phục của người Dao. Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn nghề thêu, trang phục của đồng bào Dao, mà còn giúp người dân có thêm thu nhập. Từ đó, giúp họ yên tâm, gắn bó và có hướng phát triển kinh tế gắn với việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa qua các thế hệ.
Tuấn Anh