Ngày 19/1, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ dựng cây Nêu ngày Tết theo nghi lễ truyền thống, đây là một phong tục đẹp, giàu ý nghĩa và có từ lâu đời trong truyền thống văn hoá Việt Nam.
Cây Nêu là một cây tre với nhiều thứ được treo ở ngọn cây như câu đối, vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng... với ý nghĩa nhằm để trừ tà đồng thời với mong muốn khi Thổ công, Thổ địa, Thổ Kỳ (ông Công, ông Táo) lên báo cáo Trời về những điều tốt nhân gian đã làm, phản ánh thói xấu của con người để Trời răn dạy và cũng là để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân, gửi gắm ước nguyện của con người lên Trời và là cầu nối tâm linh giữa Trời, Đất, Âm dương mà con người là trung tâm.
Dựng Nêu ăn Tết là phong tục cổ truyền của ngưởi Việt được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cây Nêu được dựng lên báo hiệu Xuân đang về con người gửi gắm bao ước vọng về sự ấm no, hạnh phúc, viên mãn. Cây Nêu được xem như tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng, tạo nên sự cân bằng. Con người an tâm vui chơi trong ngày Tết, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ quên đi những ưu phiền của năm cũ.
Tục dựng Nêu ngày Tết ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá, thể hiện chiều sâu triết lý nhân sinh. Cây nêu được làm bằng cây tre, loại cây phổ biến ở vùng quê Việt Nam như biểu trưng cho nhiều tư tưởng đạo đức tốt đẹp như tính kế thừa, tre già măng mọc, có lóng, có mắt, đủ 54 đốt tượng trương cho sự mực thước, bản lĩnh, cho dân tộc Việt Nam. Mượn cây tre để làm cây Nêu kết nối đất trời, để thể hiện mong ước tốt đẹp, cầu cho phong điền vũ thuận, mùa màng tốt tươi.
Hoàng Tâm