Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, năm 2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án bảo tồn, trùng tu, phục hồi các công trình thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế góp phần từng bước lấy lại diện mạo của Kinh đô xưa. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch di sản của thành phố.
Năm 2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án mới khởi công gồm: Dự án tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh; Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức (phần còn lại); Dự án Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Minh Mạng (phần còn lại); Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Thiệu Trị (giai đoạn 3); Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao (phần còn lại); Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - Hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích (các hạng mục đang triển khai thi công: Hạng mục Kè hộ thành hào từ eo bầu Đông Thái Đài - cống Thanh Long; hạng mục Thượng thành và Eo bầu từ Nam Hanh đài đến Đông Phụ đài); Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thái Miếu (giai đoạn 1).
Trước đó năm 2024, Trung tâm đã hoàn thành thi công và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng nhiều dự án như: Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; Dự án Chiếu sáng mỹ thuật di tích Ngọ Môn (tầng 1, tầng 2 và sửa chữa, thay thế tầng 3); Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa; Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao (giai đoạn 1); Dự án Xử lý tình huống khẩn cấp về sạt lở khu vực di tích điện Huệ Nam.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, những năm qua, công tác trùng tu, phục hồi di tích được tiến hành bài bản, khoa học, tuân thủ các quy định, nguyên tắc trong bảo tồn di sản của UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định pháp luật liên quan. Những công trình sau khi hoàn thành trùng tu đều được các chuyên gia, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo thành những điểm nhấn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, tiêu biểu như: Điện Kiến Trung, điện Thái Hòa, Hải Vân Quan...
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Địa phương hiện được UNESCO đánh giá đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện nay, thành phố Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có 6 di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh là: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế. Đồng thời là thành phố có nhiều bảo vật quốc gia của Việt Nam; trong đó Thủ tướng Chính phủ vừa mới công nhận thêm 4 bảo vật quốc gia gồm: Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng (niên đại 1822); Phù điêu thời Minh Mạng (niên đại 1829); Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị (niên đại 1842); Ngai Hoàng đế Duy Tân (niên đại đầu thế kỷ XX).
Du lịch di sản là thế mạnh nổi bật của thành phố Huế. Năm 2025, địa phương phấn đấu đón khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 55 - 60%; tổng thu từ du lịch khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng.
Đỗ Trưởng