1.000 con hạc giấy cùng các hiện vật khác như những bản ghi chép viết tay của cô bé Sadako Sasaki - một biểu tượng thắp sáng hy vọng cho những bệnh nhân ung thư máu nói chung và do bị phơi nhiễm phóng xạ nói riêng ở Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới - sẽ được đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) để được ghi vào danh sách di sản văn hóa của tổ chức này.
Cái tên Sadako Sasaki đã gắn liền với thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản hồi năm 1945. Khi quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima, Sadako khi ấy mới 2 tuổi và đã bị phơi nhiễm phóng xạ. 10 năm sau đó, Sadako bắt đầu có những dấu hiệu ốm nặng và sau đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu ở tuổi 12. Trong thời gian được điều trị ở bệnh viện, Sadako được nghe câu chuyện dân gian về việc gấp 1.000 con hạc giấy để biến điều ước thành hiện thực. Với mong ước được khỏe mạnh trở lại và được về nhà, Sadako đã gấp được 1.000 con hạc giấy. Tuy nhiên, điều ước của cô bé đã không thành hiện thực và Sadako đã không thể qua khỏi sau 8 tháng nhập viện điều trị.
Giờ đây, anh trai của Sadako là ông Masahiro, hiện đã 81 tuổi, cùng với nhiều người họ hàng khác đang chuẩn bị để đệ trình lên UNESCO những chú hạc giấy cùng với những hiện vật khác như những bản ghi chép viết tay của Sadako để được ghi vào danh sách Sổ Lưu giữ Ký ức Thế giới (Memory of the World Register) vào năm 2025, nhân kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. "Memory of the World Register" là một sáng kiến do UNESCO khởi động từ năm 1997 nhằm bảo quản những di sản tư liệu quý giá trên thế giới. Anh Yuji - cháu trai của Sadako - cho biết ý tưởng nói trên được nhen nhóm sau khi biết được rằng cuốn nhật ký của cô bé người Do Thái Anne Frank - người viết lại câu chuyện cuộc đời mình khi lẩn trốn Đức Quốc xã trong những năm 1940 - cũng được đưa vào danh sách "Memory of the World Register" của UNESCO.
Theo chia sẻ của người thân của Sadako, hạc giấy là những vật thể có hình khối phức tạp "3 chiều" chứ không phải là những tư liệu lưu trữ thông thường, vì thế để được đưa vào danh sách trên, cần phải đệ trình cùng các ghi chép của cô bé. Trong khi đó, theo chia sẻ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, việc đánh giá và xem xét các hồ sơ đệ trình được tiến hành 2 năm một lần. Vì vậy, các nước có thể đệ trình 2 hồ sơ để UNESCO xem xét.
Sau khi qua đời, câu chuyện của Sadako đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách và phim ảnh. Đồng thời, hạc giấy đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân cũng như khát vọng hòa bình của người dân Nhật Bản nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung.
Nguyễn Hà