Nguyễn Văn Hà - Người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ sạch tại Lâm Đồng

Nguyễn Văn Hà - Người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ sạch tại Lâm Đồng
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty dâu rừng Langbiang giới thiệu các sản phẩm từ phúc bồn tử. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty dâu rừng Langbiang giới thiệu các sản phẩm từ phúc bồn tử. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Có mặt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ, đồng thời là Công ty TNHH Dâu rừng Langbiang của ông Nguyễn Văn Hà, 59 tuổi ở thị trấn Lạc Dương, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực sự bất ngờ bởi các sản phẩm độc và lạ của đơn vị này. Đó là ngoài các sản phẩm thông thường như rau, củ, quả mà nhiều nhà vườn Đà Lạt vẫn trồng, ở đây còn có quả Phúc bồn tử đen, 1 loại trái cây rất hiếm trên thị trường. Trái có màu đen sẫm như  trái dâu tằm, kích thước lớn hơn ngón tay cái, lớn gấp 4 lần trái phúc bồn tử đỏ và được bán ra thị trường tới 900.000 đồng/kg tươi. Không chỉ có trái cây tươi, doanh nghiệp này còn sản xuất ra các loại sản phẩm từ Phúc bồn tử đen và đỏ như rượu vang, nước cốt, mứt, trà, kẹo socola nhân phúc bồn tử…
Trái phúc bồn tử đen khá quý hiếm trên thị trường Việt Nam đang được bán với giá 900.000 đồng/kg. Ảnh: Chu Quốc Hùng
Trái phúc bồn tử đen khá quý hiếm trên thị trường Việt Nam đang được bán với giá 900.000 đồng/kg. Ảnh: Chu Quốc Hùng 
Ông Hà cho biết, doanh nghiệp có quy mô 4,5 ha gồm hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng chế biến…; trong đó có 2,5 ha canh tác Phúc bồn tử (còn gọi là dâu rừng, mâm xôi) theo công nghệ Organic. Để có được Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JSA của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, các sản phẩm của nông trại này đã phải vượt qua trên 1.000 tiêu chí ngặt nghèo. Vì vậy, doanh nghiệp tự hào là đơn vị đầu tiên ở mô hình cá thể của khu vực phía Nam đạt tiêu chuẩn này. Giống Phúc bồn tử đen này do 1 người bạn từ châu Âu đem về cho ông Hà. Sau khi ông trồng thử nghiệm, thuần hoá, đã thuê các chuyên gia nước ngoài nhân giống trong các phòng thí nghiệm của Hợp tác xã. Công ty TNHH Dâu rừng Langbiang.F là 1 trong 9 thành viên của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ có quy mô sản xuất lên tới 20ha, do ông Nguyễn Văn Hà là giám đốc. Mỗi thành viên sản xuất kinh doanh 1 lĩnh vực như Atiso, súp lơ ở Đà Lạt, phân bón, vật tư nông nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh…
Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ, phụ trách trồng trọt của Công ty giới thiệu sản phẩm 100% hữu cơ an toàn với người sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: Chu Quốc Hùng
Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ, phụ trách trồng trọt của Công ty giới thiệu sản phẩm 100% hữu cơ an toàn với người sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: Chu Quốc Hùng 
Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ, 52 tuổi, vợ ông Hà và là người phụ trách khu vực trồng trọt kể lại, cách đây gần 2 năm, vợ chồng ông còn kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở thành phố Đà Lạt. Vì yêu thiên nhiên nên 2 người vào trong khu vực rừng núi này, ban đầu chỉ muốn xây dựng 1 ngôi nhà vườn để dưỡng già. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến các nhà vườn trồng rau quả theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhưng vẫn lạm dụng các loại hóa chất, vợ chồng ông đã quyết định mở ra một hướng canh tác mới hoàn toàn thân thiện với môi trường. Hiện nay, khu vườn trồng Phúc bồn tử đen và đỏ của Công ty TNHH dâu rừng Langbian.F hoàn toàn canh tác theo công nghệ hữu cơ sạch và an toàn cho cả người sản xuất và người sử dụng. Phóng viên chứng kiến các luống cây này tuy trồng trong nhà kính có hệ thống tưới tự động, nhưng không dọn sạch cỏ mà vẫn để cây trồng xen lẫn trong cỏ lưa thưa. Mỗi nhà kính đều nuôi một vài tổ ong có giống nhập từ châu Âu để ong thụ phấn cho cây. Những công nhân làm việc trong các nhà vườn không phải đeo khẩu trang như các nhà vườn khác, vẫn nói chuyện vui vẻ trong khi làm việc.
Công nhân Công ty TNHH dâu rừng Langbian.F thu hoạch phúc bồn tử đen. Ảnh: Chu Quốc Hùng
Công nhân Công ty TNHH dâu rừng Langbian.F thu hoạch phúc bồn tử đen.
Ảnh: Chu Quốc Hùng 
Chị Ka Sinh, là người dân tộc thiểu số địa phương tới làm việc cho công ty được hơn 1 năm cho biết, nông trại này làm theo mô hình hữu cơ nên không khí trong lành, dễ chịu. Lương mỗi tháng chị được lĩnh 5,5 triệu đồng, ngoài ra còn các thu nhập tăng thêm khác nên cuộc sống cũng dễ chịu. Hiện tại, Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F đã tạo công ăn việc làm cho 20 lao động là người dân tộc thiểu số địa phương. Mỗi lao động có thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, nông trại này thu hoạch được khoảng 4 tấn trái Phúc bồn tử đưa ra thị trường, bán với giá 200.000 đồng/kg Phúc bồn tử đỏ, 900.000 đồng/kg Phúc bồn tử đen. Hệ thống nhà xưởng, máy móc chế biến sản phẩm từ loại trái cây này cũng đã được đầu tư trên 20 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm đã được sản xuất và đưa ra thị trường như rượu, nước cốt, mứt, kẹo, trà từ Phúc bồn tử. Do còn là sản phẩm mới, nên trái Phúc bồn tử đen cũng như các sản phẩm từ loại trái này hiện mới xuất hiện khá “dè dặt” trên thị trường nội địa. Công ty TNHH dâu rừng Langbian. F dự kiến sẽ mời thêm các tổ chức, cá nhân hợp tác, xây dựng hệ thống cung ứng sản phẩm này ra thị trường trong và ngoài nước. Đưa trái Phúc bồn tử đen trở thành loại trái cây đặc trưng của Đà Lạt, được sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ an toàn tuyệt đối với cả người sản xuất và người sử dụng.
Chu Quốc Hùng

Có thể bạn quan tâm