Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện, lây lan diện rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục phát tán, lây lan nhanh, nguy cơ nhiều diện tích sắn sẽ mất trắng nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, trừ và tiêu hủy.
Đến nay, bệnh khảm lá trên cây sắn đã phát sinh gây hại tại huyện Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc…, với tổng diện tích nhiễm gần 1.800 ha; trong đó, Như Xuân hơn 600 ha; Thường Xuân gần 1.000 ha; Như Thanh 102 ha, Ngọc Lặc 62 ha…
Theo đó, để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra, trong niên vụ 2021-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản và thành lập các đoàn công tác, phân công cán bộ phối hợp với các địa phương để chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn. Các huyện có diện tích trồng sắn, đặc biệt các huyện có bệnh khảm lá sắn đã phát sinh gây hại đã triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh.
Tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh và triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống bệnh khảm trên cây sắn ở 11 huyện miền núi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa nhấn mạnh: Bệnh khảm lá trên cây sắn hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy các xã, thị trấn cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về tác hại và cách phòng chống bệnh.
Theo đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho hộ nông dân nắm chắc về tác hại của bệnh, triệu chứng bệnh, hình thức lây lan và các biện pháp phòng trừ. Đối với những ruộng sắn có tỷ lệ bệnh dưới 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh, thu gom, đốt; đối với các ruộng sắn có tỷ lệ bệnh trên 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom, đốt và chuyển đổi trồng cây trồng khác.
Trên diện tích chưa trồng, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương không tiếp tục trồng sắn, lựa chọn các cây trồng khác như: cây ngô, cây rau màu gieo trồng ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh và tuyệt đối không trồng các loại cây (cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt,...) là ký chủ của bọ phấn trắng. Kết thúc vụ gieo trồng trước ngày 30/4/2021.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, tại Thanh Hóa, cuối năm 2019 bệnh khảm lá sắn đã phát sinh và gây hại trên các giống sắn HL-S11, KM140 tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân với tổng diện tích nhiễm 26,5 ha. Năm 2020 bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh gây hại nặng tại các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân tổng diện tích nhiễm hơn 1.600 ha.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh, các huyện đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng trừ, tiêu hủy bệnh (như đã huy động trên 6.500 lượt người tham gia giúp dân nhổ bỏ, tiêu hủy hơn 1.500ha, phun trừ bọ phấn trắng 1.547ha, trồng mới và trồng dặm lại 1.355 ha, chuyển sang cây trồng khác 99 ha).
Khiếu Tư