Tuyển chọn 2 giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Giống sắn mới HN3 trồng thử nghiệm tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có năng suất cao, kháng được bệnh khảm lá. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN
Giống sắn mới HN3 trồng thử nghiệm tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có năng suất cao, kháng được bệnh khảm lá. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Ngày 24/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn với sự tham gia của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phía Nam.

Tuyển chọn 2 giống sắn mới kháng bệnh khảm lá ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật nhanh chóng lập hồ sơ, trình Bộ ra quyết định công nhận 2 loại giống sắn mới HN3 và HN5 kháng được bệnh khảm lá đã trồng thử nghiệm có kết quả tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; đồng thời, ban hành quy trình chăm sóc, nâng cao năng suất và chữ bột của 2 loại giống này để các tỉnh, thành nhân rộng, sản xuất đạt hiệu quả cao.

Cùng đó, quy trình chuẩn về quản lý giống tiếp tục được cập nhật; kiên quyết loại bỏ giống đã nhiễm bệnh nặng như HLS11 để tránh lây lan; khuyến cáo nông dân trồng luân canh với các loại cây trồng khác và cách ly nguồn bệnh.

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục cho trồng thử nghiệm, lựa chọn các loại giống sắn mới khác để bổ sung vào bộ giống mới; từng bước nhân rộng, thay thế nguồn giống bị bệnh. Các địa phương quan tâm hơn nữa việc kiểm dịch thực vật, nhất là hoạt động thu mua nguồn nguyên liệu sắn từ Campuchia về chế biến để ngăn chặn lây lan nguồn bệnh - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn, năm 2020 diện tích trồng sắn cả nước đạt 421.058 ha; trong đó, vụ Đông Xuân 2019-2020 chiếm 230.320 ha, Hè Thu 2020 chiếm 183.108 ha, vụ Thu Đông – Mùa 4.330 ha. Các giống sắn được trồng phổ biến hiện nay là KM94 (37%), KM140 (18%), KM414 (15%), HLS11 (6%) và các giống địa phương.

Tính đến ngày 8/11/2020, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn được ghi nhận trên cả nước là 52.179,55 ha, tăng 22.963,85 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích bị nhiễm nặng là 7.174,5 ha.

Tuyển chọn 2 giống sắn mới kháng bệnh khảm lá ảnh 2Giống sắn mới HN3 trồng thử nghiệm tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có năng suất cao, kháng được bệnh khảm lá. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Hiện 20 tỉnh có diện tích sắn bị nhiễm phổ biến gây thiệt hại nặng là: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh và Thừa Thiên Huế. Bệnh phát sinh và gây hại chủ yếu trên các giống HLS11, KM419, KM98-5, KM60, SM937-26…

Nguyên nhân được chỉ ra là do việc phòng chống bệnh khảm lá sắn chưa hiệu quả và có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Nhiều đại biểu nhận xét, sắn là cây trồng chủ lực, do dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, nguồn tiêu thụ ổn định, sản xuất cho lãi hơn so với một số loại cây trồng khác. Tuy nhiên, tại những địa hình đi lại khó khăn, trồng sắn thường "lấy vụ trước, trồng vụ sau" nên nếu giống nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh.

Hiện việc vận chuyển hom giống từ địa phương này sang địa phương khác cũng chưa được chính quyền địa phương quan tâm kiểm soát chặt chẽ; chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển hom giống từ vùng bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh...

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, do sắn được xếp vào loại cây lương thực, không phải là cây công nghiệp nên chế độ hỗ trợ thiệt hại về dịch bệnh còn rất thấp. Do đó, rất khó vận động, thuyết phục nông dân tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

Mặt khác, do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến nên nhiều doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn ở Tây Ninh chọn cách nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Campuchia về để chế biến cũng khiến việc kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn.

Lê Đức Hoảnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm