Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống

Người Nùng U ở thôn Hạ Lập, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình (Hà Giang) phơi hương. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
Người Nùng U ở thôn Hạ Lập, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình (Hà Giang) phơi hương. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Mặc dù bị tác động bởi kinh tế thị trường nhưng những làng nghề làm hương truyền thống của đồng bào vùng cao Hà Giang vẫn tồn tại cho tới nay.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 1Hương thủ công được bày bán ở chợ xã Bằng Lang, huyện Quang Bình (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Trong số làng nghề làm hương truyền thống lâu đời ở vùng cao Hà Giang phải kể đến các làng như: Làng nghề làm hương ở thôn Bản Tát, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên; nghề làm hương của đồng bào Mông ở thôn Sính Thầu, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn; nghề làm hương của đồng bào dân tộc Nùng ở huyện Hoàng Su Phì và huyện Quang Bình… trong đó phải kể đến làng nghề làm hương truyền thống của người Nùng U ở thôn Hạ Lập, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 2Người Nùng U ở thôn Hạ Lập, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình (Hà Giang) phơi hương. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Thôn Hạ Lập, xã Bằng Lang có 75 hộ dân với 2 dân tộc Tày, Nùng sinh sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm tới 42%. Cũng như những nhóm người Nùng ở các địa phương khác, người Nùng U ở Hạ Lập vẫn duy trì được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc mình, trong đó có nghề làm hương thủ công truyền thống.

Theo quan niệm của người Nùng U, nghề làm hương không chỉ là nét đẹp bản sắc dân tộc, mà nó còn gắn liền với tục thắp hương của người Việt và trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Vì vậy không biết tự bao giờ, nghề làm hương gắn bó với người Nùng U ở Hạ Lập, chỉ biết ở đây những người trên 35 tuổi trở lên ai cũng biết làm Hương.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 3Bột hương được làm hoàn toàn từ vỏ cây quế rừng và một số cây rừng. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Dù đã trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử hàng trăm năm nhưng người Nùng U ở Hạ Lập vẫn giữ được nghề làm hương sạch hoàn toàn thủ công không dùng hóa chất. Từ cây mai để làm chân hương, vỏ cây quế rừng và đặc biệt là lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau, đến nay một số người trẻ không nhớ tên đó là loại cây gì mà chỉ biết đi theo những người có tuổi lên rừng hái.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 4Bà Lèng Thị Phui (thứ 2 từ trái qua phải), thôn Hạ Lập, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Bà Lèng Thị Phui, thôn Hạ Lập cho biết, nghề làm hương ở thôn đã có từ lâu đời, đời này truyền đời khác. “Để làm những cây hương hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên không hề đơn giản, chúng tôi phải lên rừng kiếm cây và lá rừng làm nguyên liệu. Khi làm hương phải chọn những ngày có nắng to, nếu không có nắng là không làm được” - bà Phui chia sẻ.

Để làm được một nén hương cũng cực kỳ phức tạp, sau khi đi rừng lấy đủ vật liệu về phải phơi thất khô, rồi nghiền hoặc giã thật nhỏ, thật mịn, rồi lại đem phơi khô lần nữa. Để hoàn thiện nén hương thơm thuần chất, theo những người làm hương lâu năm, quan trọng là công thức pha bột hương. Nếu pha trộn tỷ lệ bột không đều nén hương sẽ không dính, không có mùi thơm đặc trưng của lá cây, hương gỗ.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 5Vỏ cây quế rừng, một trong những nguyên liệu làm hương. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Cây hương đẹp là sau khi lăn đi lăn lại tạo thành nét to đẹp, đều, tròn trịa... Khi lăn hương, người làm dùng cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột khô đã được trộn sẵn, rồi lại nhúng nhanh vào xô nước mang ra tiếp tục lăn đến khi nào đạt tiêu chuẩn thì thôi, đây là công đoạn quyết định mẫu mã và cả chất lượng của nén hương.

Nghề làm hương của đồng bào dân tộc Nùng U ở thôn Hạ Lập được truyền từ đời này sang đời kia, nhưng không phải ai biết là được làm hương. Người làm hương cũng phải tuân thủ những quy định, như chỉ phụ nữ đã đứng tuổi, có con cái đã trưởng thành mới được làm còn đàn ông thì không.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 6 Kỹ thuật làm hương hoàn toàn thủ công. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, làm hương đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân tộc Nùng, với nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, chỉ cần 2 đến 3 ngày làm hương đem ra chợ huyện bán cũng thu được một khoản tiền từ vài triệu, có khi cả chục triệu đồng. Sản phẩm hương được làm theo phương pháp thủ công truyền thống nên được nhiều khách hàng lựa chọn.

Người Nùng U giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 7Chân hương được làm từ cây mai. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Chủ tịch UBND xã Bằng Lang Vũ Mạnh Tiềm cho biết, từ năm 2016, các tổ hội nhóm yêu thích nghề làm hương truyền thống ở xã Bằng Lang được thành lập, mục đích để duy trì và phát huy làng nghề làm hương thủ công truyền thống. Những người làm hương ở xã Bằng Lang chủ yếu tập trung ở thôn Hạ Lập, hiện có khoảng gần chục hộ làm hương quanh năm, còn lại các hộ khác chỉ làm những lúc nông nhàn. Thu nhập từ hương chưa cao những cũng góp phần giải quyết việc làm cho bà con.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm