Đánh giá cao và ấn tượng về dự án G-Cans, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mô hình này là kinh nghiệm hữu ích đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tham quan dự án G-Cans |
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Quản lý dự án G-Cans hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá thực trạng, đề xuất hướng giải quyết và triển khai các dự án cụ thể để giúp Tthành phố giải quyết vấn đề ngập nước. Trong đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố sẽ là cơ quan đầu mối làm việc về vấn đề này. Theo Ban Quản lý dự án G-Cans, dự án được xây dựng từ 1993-2006, bên dưới thành phố Saitama, với chi phí khoảng 2,6 tỷ USD. Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê tông, cao 65m, đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km. Bên cạnh đó là một bể nước lớn, cao 25,4m dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng “The Temple” (Ngôi đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.
Bể chứa thuộc dự án G-Cans rộng tới 78m |
Sau khi nhận lượng nước khổng lồ, các giếng này sẽ giúp điều tiết và đưa nước ra ngoài qua hệ thống cống ngầm đặc biệt. Quy trình vào - ra đều được xử lý bằng 78 máy bơm công suất lớn (10 MW - tốc độ 200 tấn nước/s). Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống thoát nước này (G-Cans) có thể xử lý được số lượng nước mưa trên 550mm liên tục trong 3 ngày. Ở cuối hệ thống, nước sẽ được trữ trong một bể kiểm soát áp lực khổng lồ, có kích thước dài 177m, rộng 78m và cao khoảng 22m dưới lòng đất. Bể này có chức năng giảm áp lực của nước chảy, cũng như kiểm soát dòng nước trong trường hợp máy bơm bị vỡ.
Bản đồ thiết kế dự án chống ngập G-Cans |
Dự án là niềm tự hào của nước Nhật và được đánh giá là công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới, nằm bên dưới thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo nhằm bảo vệ cư dân của thành phố và các khu vực lân cận khỏi nguy cơ ngập lụt.
Trần Xuân Tình (Từ Tokyo, Nhật Bản)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN