Các xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Phường 9, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) có nghề trồng hoa tết truyền thống từ lâu đời, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Ban đầu chỉ một ít hộ dân trồng hoa bán vào dịp tết. Dần dần, được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân mở rộng quy và số lượng, đa dạng hóa về chủng loại… đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, các làng hoa truyền thống trên càng nổi tiếng, trở thành một trong những địa bàn cung cấp hoa tết chủ yếu cho các tỉnh Nam bộ.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các làng hoa truyền thống tại thành phố Mỹ Tho chuẩn bị gần 1,1 triệu giỏ hoa phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng gần 69% so năm trước. Chủ yếu là cúc các loại, mào gà, sống đời, cẩm chướng, hướng dương,…
Để có sản phẩm bán đúng dịp tết, tùy từng loại hoa mà nông dân chọn thời điểm xuống giống phù hợp. Sớm nhất là cúc mâm xôi xuống giống vào khoảng tháng 6; các loại cúc khác xuống giống vào khoảng tháng 8. Riêng vạn thọ và một số hoa ngắn ngày thì xuống giống vào tháng 10 âm lịch.
Gia đình ông Trần Văn Lập, cư ngụ tại xã Tân Mỹ Chánh giữ truyền thống trồng hoa tết gần 30 năm nay. Ông Lập cho biết, nhờ nghề này, gia đình ông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong điều kiện đất hẹp, người đông khi tốc độ đô thị hóa tại địa phương mỗi ngày càng nhanh chóng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông trồng và cung ứng gần 5.000 giỏ hoa Tết với nhiều loại hoa đang được thị trường ưa chuộng như mào gà, cúc, hướng dương,…
Theo ông Trần Văn Lập, nghề trồng hoa tết rất công phu, đòi hỏi kinh nghiệm thâm canh kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, từ các khâu xử lý đất, giỏ, chọn giống đến trồng, chăm sóc, phải "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" nếu không muốn bị thất thu. Khi thời tiết bất thường, cần có cách khắc phục để hoa phát triển, nở đúng vào dịp tết. Với 5.000 giỏ hoa, nếu thuận mùa, thuận tiết và được giá, ông có thể thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng sau một vụ sản xuất.
Còn ông Dương Thanh Sang, trồng hoa tại ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh cho biết, trong vụ này, ông cũng trồng khoảng 4.500 giỏ hoa với chủng loại chủ lực là cúc. Ông cho biết, trà hoa rất tốt, bông đẹp và nở rộ vào đúng dịp tết nên hứa hẹn bội thu.
Theo đánh giá của người trồng, năm nay, trà hoa tết thành phố Mỹ Tho đang phát triển tốt. Nông dân trồng hoa đang kỳ vọng một vụ bội thu; giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, bù đắp những thiệt hại do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong năm vừa qua.
Đặc biệt, trong những ngày giáp tết, thị trường hoa tết địa phương khởi đầu khá sôi động. Từ ngày 16/1, nhằm 25 tháng Chạp, tại làng hoa tết ven thành phố Mỹ Tho đã bắt đầu nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Theo chân thương lái, các phương tiện tấp nập đến chở hoa, tỏa đi tiêu thụ khắp nơi, tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi.
Từ đầu vụ thương lái đã đặt mua tại ruộng khoảng 70% tổng số lượng hoa ông Sang trồng. Các loại hoa cúc, hoa hướng dương,… có giá bình quân 120.000 – 130.000 đồng/cặp. Cúc Hà Lan, vàng hòe được các thương lái thu mua dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/cặp. Cúc mâm xôi khoảng 200.000 đồng/cặp, tùy loại và chất lượng - ông Sang khoe.
Nhìn chung, giá bán ra tăng hơn năm trước khoảng 10 – 15%. Hoa đẹp và được giá, người trồng hoa phấn khởi. Với giá này, nông dân trồng hoa đạt lợi nhuận bình quân 40 – 50% tổng thu, tùy theo chủng loại và phẩm chất.
Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ hoa tết của các làng hoa truyền thống thành phố Mỹ Tho ngày càng mở rộng, được người tiêu dùng ưa chuộng, tín nhiệm. Ngoài thị trường trong tỉnh, hoa tết thành phố Mỹ Tho còn được tiêu thụ mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, thậm chí cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
Ước tính, 70% lượng hoa tết tại đây được thương lái đặt mua trước và đưa đi tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh. Số lượng còn lại nông dân đem ra bán lẻ tại chợ hoa Tết Mỹ Tho.
Lãnh đạo thành phố Mỹ Tho cho biết, địa phương xác định nghề trồng hoa tết là một trong những thế mạnh của nông nghiệp đô thị địa phương. Với sự phối hợp của các ngành chức năng như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam… người nông dân làng hoa được hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, nâng chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho hoa tết trên thị trường.
Đặc biệt, mỗi năm còn có thêm nhiều chủng loại hoa mới, chất lượng vào cơ cấu sản xuất, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, giâm cành, bón phân, tưới nước, phòng ngừa sâu bệnh, ngắt cơi, tỉa cành, tạo tán… Ngoài ra, người trồng còn sử dụng giống cấy mô, bón phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học…để có hoa đẹp, bán được giá cao.
Về lâu dài, thành phố Mỹ Tho còn quy hoạch vùng trồng, gắn kết làng nghề trồng hoa tết ngoại thành với du lịch sinh thái nhằm tạo điều kiện cho nghề trồng hoa truyền thống tại đây phát triển bền vững, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven đô thị; giúp nông dân làng nghề vươn lên, vượt khó, thoát nghèo và làm giàu trong điều kiện đất hẹp, người đông, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay.
Minh Trí