Nghề nuôi rắn ở Tứ Xã gặp khó vì COVID-19

Nghề nuôi rắn ở Tứ Xã gặp khó vì COVID-19

Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ từ lâu vốn được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi rắn hổ mang bành. Các hộ nuôi rắn ở đây cho biết, những năm trước, nghề nuôi rắn thực sự là một “cứu cánh” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vật nuôi tại địa phương.

Nhà nhà nuôi rắn, người người nuôi rắn, đã có không biết bao nhiêu mái nhà bề thế, khang trang mọc lên, đã xuất hiện nhiều đại gia xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng giờ đây, cái nghề mang lại doanh thu mỗi năm cả trăm tỷ đồng thuở nào lại đang làm nhiều người nuôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Anh Phan Văn Sơn - người đã ngắn bò với nghề nuôi rắn hơn 10 năm nay ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 700 chuồng rắn nhưng từ đầu năm đến nay không bán được con nào, mặc dù giá đã hạ xuống rất nhiều nhưng cũng không ai đến hỏi mua. Mặt khác, so với năm 2018, 2019 một quả trứng rắn có giá 75.000 - 80.000 đồng, nhưng thời điểm này giá chỉ 3.000 - 4.000 đồng/quả cũng không ai mua…”

Theo anh Phan Văn Sơn, do giá rắn bán ra quá thấp, thậm chí không bán được con nào mà chi phí tổng hợp từ khi mua rắn giống đến khi bán rắn thương phẩm lại quá cao, nên hầu hết người dân trong xã đã tự giảm nuôi tới hơn một nửa số lượng so với trước đây, nhiều hộ đã bỏ trống chuồng… Từ chỗ gần 500 hộ nuôi nhưng đến nay, toàn xã còn khoảng hơn 100 hộ.

Làng nghề nuôi rắn Tứ Xã được hình thành từ những năm 1996, xuất phát từ việc một số hộ rắn nhỏ lẻ, sau đó phát triển dần thành nhóm và lan rộng ra toàn xã. Có thời điểm cả xã Tứ Xã có tới gần 500 hộ nuôi rắn, bình quân mỗi hộ nuôi trên dưới 100 con, nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi lên tới 500 - 600 con.

Mỗi năm cả xã xuất bán trên 70 tấn, đạt doanh thu trên 70 tỷ đồng. Rắn đã được xuất bán chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ nghề nuôi rắn đời sống vật của người dân nâng lên ro rệt, không ít hộ đã trở nên giàu có, xây dựng được nhà cao tầng, sắm xe máy đời mới, mua được cả ô tô đắt tiền.

Anh Lê Quang Sử, người đầu tiên mang rắn về Tứ Xã nuôi đã khiến cả làng chú ý; trong đó, không ít dị nghị rằng “rước họa về làng”. Bỏ qua điều tiếng, anh lùng sục khắp nơi tìm rắn về nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, mẻ rắn đầu tiên của anh đã đạt tiêu chuẩn để bán, thu về cả trăm triệu đồng. Tiền giống không mất, thức ăn kiếm được (chủ yếu là cóc), dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, rắn của anh Sử được gọi bằng một cái tên hoa mĩ là “thần tài”. Lúc cao điểm nhất, anh Sử nuôi tới 500-600 con.

Tuy nhiên, nghề nuôi rắn ở Tứ Xã chưa bao giờ làng rắn lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay, nhất là từ khi có dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu “đóng băng”, những hộ nuôi rắn ở Tứ Xã cũng nằm im bất động.

Ông Nguyễn Hữu Thuật, Trưởng làng nghề nuôi rắn xã Tứ Xã chia sẻ, rắn không bán được, đầu ra không có, nhiều hộ đã phải "lãng" nghề, đi xây, làm nhôm kính và nhiều nghề khác để mưu sinh. Do đó, trước tình hình khó khăn như thế này, nhà nước và các ngân hàng nên tính toán cho giãn nợ hoặc hạ lãi suất đối với các hộ ở làng nghề, nếu cứ tình trạng như thế này thì cũng không biết kinh tế sẽ đi về đâu.

Ở Tứ Xã, rắn nuôi chủ yếu là rắn hổ mang phì, trọng lượng khoảng 2- 3 kg là xuất, thời gian nuôi khoảng 2 năm. Thức ăn chủ yếu là gà, cá, vịt loại mua gom từ khắp nơi ở miền Bắc, trong các trại của nhà nước và tư nhân. Trước kia, cứ 4-5 ngày cho ăn một bữa, giờ thì hàng chục ngày mới cho ăn một lần vì càng cho ăn càng tốn kinh phí. Rắn thịt không bán được dẫn đến nhiều hộ dân có nguy cơ lầm vào cảnh nợ nần.

Lãnh đạo xã Tứ Xã cho biết, hiện tại làng nghề đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, chính sách, bởi lẽ hàng trăm hộ dân đang phải trả tiền cho vốn, giống, thức ăn, tiền lãi... Các hộ nuôi rắn không ai dám "gối" rắn giống, vì không biết được thị trường tới đây như thế nào. Kéo theo đó là nhân công giảm đáng kể, nguồn thu ngày càng bấp bênh…

Trước mắt, chủ trương của xã là không phát triển rộng quy mô, mà cố gắng giữ ổn định số hộ đang nuôi; đồng thời, tích cực phối hợp theo chuỗi liên kết với các hợp tác xã, các địa phương nuôi rắn để tìm đầu ra cho sản phẩm này. Nếu có chuyển biến tích cực, xã sẽ tiếp tục mở rộng số hộ nuôi.

Nuôi rắn ở Tứ Xã không còn là mới, thế nhưng để có thể phát triển ổn định, lâu dài và bền vững nghề chăn nuôi đặc sản này, cần phải có một chiến lược dài hạn, nhất là trong việc tìm thị trường tiêu thụ, để không bị phụ thuộc, ép giá.

Hy vọng khó khăn đầu ra để tiêu thụ sản phẩm đối với người nuôi rắn ở Tứ Xã sẽ sớm qua đi để sản phẩm rắn Tứ Xã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường, mang lại cuộc sống ấm no cho người nuôi rắn nơi đây.

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm