Từ trung tâm thủ đô Hà Nội, đi theo đường Giải Phóng tiến thẳng Quốc lộ 1A qua thị trấn Thường Tín là đến xã Quất Động, nơi có nghề thêu nổi tiếng. Lòng vòng qua mấy thôn Quất Lâm, Cổ Quan đều có trương biển làng nghề thêu truyền thống ngay từ đầu đường vào làng nhưng với mong muốn được đến đúng với làng nghề thêu truyền thống Quất Động nên dù phải hỏi đi hỏi lại người dân, chúng tôi mới tìm thấy thôn Quất Động, nơi nghe nói là có ông tổ nghề thêu truyền thống của cả xã. Dừng xe ngay đầu làng để hỏi thăm nhưng chúng tôi lại được một ông lão gợi ý nên quay ra cơ sở thêu tranh của chị Hoàng Thị Khương nằm ngay trên con đường dẫn từ ngoài Quốc lộ 1A vào làng.
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương ở thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, giới thiệu bức tranh thêu khổ lớn về phong cảnh đồng quê. Ảnh: Hà Vy |
Cơ sở tranh thêu của chị Khương không có biển hiệu ở ngoài nên nếu không được chỉ mách thì đi ngang qua cũng rất khó biết. Chỉ khi bước vào phần hiên nhà chúng tôi mới thấy rõ không gian của một cơ sở tranh thêu truyền thống. Trong căn nhà cấp 4 chia đôi hai phòng với diện tích cả thảy ước chừng chỉ hơn 60m2 tràn ngập tranh thêu. Một gian kê các khung dệt truyền thống và la liệt tranh thêu đã lên khung được dựng dọc các cạnh tường, góc nhà và đương nhiên là cũng treo kín các mặt tường để tiết kiệm không gian. Ở gian còn lại, bộ bàn máy tính nhỏ xinh cũng là bàn làm việc của chị Khương kê sát cửa ra vào. Kề ngay bên cạnh là bộ xa lông gỗ cũ kỹ dùng để tiếp khách như muốn dành phần lớn diện tích trong phòng cho xếp các tranh đã vào khung và vải thuê chưa lên khung. Gây ấn tượng mạnh với khách là một loạt giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận các loại được đóng khung treo trên tường sát trần nhà từ trong ra ngoài cho thấy tranh thêu của chị Khương đã được công nhận từ lâu. Chị Khương hồ hởi đón khách. Nhìn người phụ nữ khuyết tật tập tễnh bởi một bên chân teo tóp vẫn thoăn thoắt di chuyển giữa ngồn ngộn tranh thêu, cắt băng dính. tháo bọc ngoài để tận tình giới thiệu từng bức một, trong tôi nghẹn niềm xúc động. Hết lượt các tranh đã lên khung, chị Khương lại giới thiệu cả những bức tranh thêu chưa đóng khung còn đang đựng trong túi.
Người thợ đang thêu một bức tranh truyền thống trong cơ sở của chị Hoàng Thị Khương. Ảnh: Hà Vy |
Trong cuộc trò chuyện không đầu không cuối lúc bên các bức tranh thêu, lúc bên bàn nước, chúng tôi thêm cảm phục nghị lực của người phụ nữ khuyết tật nhưng chan chứa vẻ đẹp tâm hồn luôn đau đáu với nghề thêu truyền thống của quê hương. Chị Khương cho biết chị bắt đầu học nghề thêu từ khi mới 7-8 tuổi và đã có hơn 40 năm theo nghề thêu. Tới năm 1996 chị bắt đầu làm tranh thêu để bán. Tới năm 2013, được sự động viên của bạn bè, người thân, đặc biệt là sự hỗ trợ về vốn của anh chị em trong gia đình, chị đã mạnh dạn lập công ty để thuận lợi hơn cho việc thực hiện các hợp đồng thêu. Tranh của chị phong phú về chủ đề. Ngoài những bức tranh thêu đúng truyền thống quê hương về hoa, về cây, về chim, về cá,… chị Khương có tranh thêu về các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam như Hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, Văn Miếu,… thường được khách nước ngoài thích. Chị cũng có những tranh thêu mô phỏng tranh của các họa sỹ nổi tiếng thế giới. Nhìn những bức tranh thêu đẹp, tinh xảo, cầu kỳ về màu sắc đến từng đường chỉ màu mà thêm cảm phục những người thợ thêu không có may mắn được lành lặn về thân thể nhưng biết yêu cái đẹp, trân trọng cuộc sống còn hơn cả nhiều người lành lặn về thân thể nhưng lại khuyết tật trong tâm hồn.
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương giới thiệu kỹ thuật thêu trên một bức tranh thêu truyền thống. Ảnh: Hà Vy
|
Chị Khương cho biết để có một bức tranh thêu tay ưng ý, người thợ phải làm liên tục vài tháng trời, có khi phải đổi màu chỉ thêu sau mỗi đường chỉ. Nhờ vậy mà tranh thêu của chị Khương sống động và có hồn. Những bức tranh thêu tay của chị Khương có giá phải chăng dù thêu sẵn hoặc là tranh đặt. Bức tranh thêu lớn nhất chị từng làm có kích thước 2,4 mét x 1,5 mét. Tuy nhiên, nếu cầu kỳ muốn có tranh thêu đặt thì có thể phải mất nhiều tháng mới nhận được. Bởi nói như chị Khương, chị không thể làm ẩu. Chị cũng không chấp nhận làm hàng thêu máy vì đó không phải là cách để giữ gìn nghề thêu truyền thống. Nhiều bức tranh thêu của chị Khương đã được đưa đi triển lãm trong và ngoài nước và được trao giải, bằng chứng nhận. Cơ sở tranh thêu của chị Khương đã được nhiều khách ngoại giao, khách quốc tế biết tiếng và đến thăm. Chị cũng nhận đào tạo nghề thêu và tạo việc làm cho những người khuyết tật như mình để có thể tự nuôi sống bản thân. Chị Khương cũng được các tổ chức chữ thập đỏ, hội người khuyết tật các cấp hỗ trợ kinh phí mở một số lớp đào tạo nghề thêu cho người khuyết tật.
Các thợ thêu miệt mài làm việc. Ảnh: Hà Vy |
Chúng tôi chia tay chị Khương sau khi mua một bức tranh thêu tay về khung cảnh ruộng bậc thang. Nếu là người yêu cái đẹp, quý vị hãy một lần ghé thăm làng thêu Quất Động, thăm cơ sở tranh thêu của chị Khương để cảm nhận rõ hơn về nghệ thuật tranh thêu truyền thống của dân tộc.
Hà Vy