Nghệ nhân A Huynh, người thổi hồn vào nhạc cụ đàn đá

Nghệ nhân ưu tú A Huynh (trú làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) là người đầu tiên tại tỉnh Kon Tum biết cách chế tác và chơi đàn đá, một trong những nhạc cụ thuộc bộ gõ cổ xưa nhất tại Việt Nam. Để bảo tồn nét đẹp của loại nhạc cụ này, nghệ nhân A Huynh thường xuyên mang đàn đá đi trình diễn tại các chương trình, lễ hội do địa phương tổ chức; đồng thời, truyền dạy lại cách làm đàn đá cho thế hệ trẻ trong làng.

z5998204955180_1bf8fe7e8c129b6c0ef79c75785c58bf.jpg
Nghệ nhân ưu tú A Huynh (trú làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) thẩm âm những chiếc đàn đá do mình chế tác.

Cách đây hơn 10 năm, trong một lần đi qua con suối gần nhà, anh A Huynh (trú làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) bắt gặp những viên đá với hình thù lạ mắt, gõ lên nghe âm thanh lạ như tiếng nhạc cụ. Với dòng máu nghệ sĩ trong người, anh A Huynh đã mày mò lựa từng viên đá, sử dụng kĩ thuật chỉnh âm để gọt, dũa cho những viên đá khớp với âm thanh của bộ cồng chiêng của người Ja Rai.

Đi tìm những viên đá phù hợp đã rất khó khăn, song khâu chỉnh âm đòi hỏi kĩ năng thẩm âm tốt của người nghệ sĩ để tạo ra bộ đàn đá đúng âm sắc. “Nếu muốn viên đá có âm thanh cao thì gọt bỏ một đầu ngắn đi; gọt theo chiều ngang sẽ mang lại âm trầm hơn. Sử dụng âm thanh chuẩn từ bộ cồng chiêng trong nhà, tôi đã chế tác được bộ bàn đá gồm 7 thanh tương ứng với mỗi nốt nhạc. Qua thời gian, tôi tiếp tục nghiên cứu, mày mò cải tiến chiếc đàn đá lên đến 15 thanh để những giai điệu phong phú hơn.”, anh A Huynh chia sẻ.

z5998213437842_cdcae057c259c16697682071f089a11c.jpg
Nghệ nhân ưu tú A Huynh (trú làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) với qua trình lội rừng, suối nhặt đá để chế tác đàn đá.

Để kiểm chứng âm thanh của đàn đá, anh A Huynh đã mạnh dạn mang đi trình diễn tại một Hội diễn ở huyện Sa Thầy vào năm 2009. Những câu hát dân ca, ru em, tỏ tình, mừng lúa mới kết hợp với âm thanh của đàn đá đã tạo nên màn trình diễn sống động, một giai điệu rất hay và mới lạ. Thông qua chương trình này, đàn đá của A Huynh đã trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh.

Tuy không hề được đào tạo qua một trường lớp âm nhạc nào và không có ai chỉ dạy, song A Huynh lại rất có khiếu về âm nhạc, nhất là việc thẩm âm. Với sự đam mê và tài năng thiên phú, A Huynh đã tự mày mò và làm sống dậy một trong những nhạc cụ được xem là cổ xưa nhất từ trước đến nay. Cạnh đó, A Huynh còn chế tác và sử dụng thành thạo những cây đàn quen thuộc với người Ja Rai như: Đinh Pút, đàn Kní, đàn Tơ Rưng… Vì lẽ đó, ngôi nhà của A Huynh luôn rộn ràng bởi âm thanh của các nhạc cụ do nhiều người cả già, trẻ đều đến để nghe anh đánh đàn và dạy cách chơi đàn.

z5998217947915_50e43e79a26a214334f64669935e2ecd.jpg
Tiếng đàn đá mang đậm âm hưởng của núi rừng, suối chảy, có lúc dịu dàng vui tươi với dấu ấn rất riêng của người dân tộc thiểu số nơi đây

Anh A Juil (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy) cho biết, đối với người dân làng Chốt, nhất là trẻ em rất muốn được nghe tiếng đàn của A Huynh bởi mang đậm âm hưởng của bản sắc dân tộc. Thông qua tiếng đàn, A Huynh đã giải bày mong muốn của người dân về cuộc sống đơn sơ mộc mạc, khắc họa nên tính cách và con người nơi đây.

Ông A Wich (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy) vui mừng chia sẻ, điều khác biệt tạo nên thương hiệu của A Huynh chính là người đầu tiên “đánh thức” được tiếng đàn đá cổ xưa của dân tộc. Điều này mang ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn văn hóa, phát huy truyền thống của các dân tộc nói chung trên địa bàn. Bản thân thế hệ trẻ cũng dần bị cuốn hút bởi âm thanh từ chiếc đàn đá và có người em mong muốn được theo học.

z5998215462124_15bd50ee86b1d098403958d12780cfed.jpg
Tiếng đàn đá mang đậm âm hưởng của núi rừng, suối chảy, có lúc dịu dàng vui tươi với dấu ấn rất riêng của người dân tộc thiểu số nơi đây

Đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, đàn đá được xem là loại nhạc cụ gõ thô sơ và cổ nhất của Việt Nam. Do đó, vào năm 2005, đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách là một trong những loại nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” cần được bảo tồn. Tiếng đàn đá mang đậm âm hưởng của núi rừng, suối chảy, có lúc dịu dàng vui tươi với dấu ấn rất riêng của người dân tộc thiểu số nơi đây.

Bằng tài năng và niềm đam mê âm nhạc truyền thống, A Huynh đã và đang là cầu nối giúp các giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với thế hệ hôm nay. Với những đóng góp quan trọng, năm 2015, A Huynh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú khi mới 33 tuổi vì đã có những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm