Nghề đóng tủ thờ Gò Công trên đường hội nhập

Nghề đóng tủ thờ Gò Công trên đường hội nhập
Nghề đóng tủ thờ Gò Công có bề dày hơn 100 năm qua. Ảnh: thanhnien.vn
Nghề đóng tủ thờ Gò Công có bề dày hơn 100 năm qua. Ảnh: thanhnien.vn

Làng nghề tủ thờ Gò Công nằm trên địa bàn ấp Ông Non và ấp Sơn Quy B, xã Tân Trung với diện tích khoảng 600 ha. Khởi thủy, tại đây quy tụ nhiều thợ thủ công chuyên nghề đóng đồ mộc. Sản phẩm tiêu biểu và nổi tiếng khắp vùng là chiếc tủ thờ đóng bằng những loại gỗ quí rất được người dân ưa chuộng. Chiếc tủ thờ mang kiểu dáng đặc trưng riêng từ vùng Gò Công với mặt trước tủ chạm hai hàng chuỗi khít nhau tạo dáng 2 cánh cửa tượng trưng, mỗi hàng chạm khắc, cẩn ốc xà cừ … Theo những hình vẽ trang trí, mỗi hình là một câu chuyện kể về tuồng tích xưa rất tinh xảo, mỹ thuật.

Đến năm 1936, một bước ngoặt tạo sức sống mới cho thương hiệu tủ thờ Gò Công là sự kiện chiếc tủ thờ do ông thợ Nhâm ở xóm Ông Non đóng theo kiểu cách tân, mặt trước cẩn đá mài được trao bằng khen tại Hội chợ Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh ngày nay). Sau thắng lợi tại Hội chợ Sài Gòn, ông Nhâm mở cửa hàng kinh doanh ở Sài Gòn lấy tên “Nhâm – Sơn Quy” chuyên bán tủ thờ Gò Công. Từ đó, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị vật chất của chiếc tủ thờ Gò Công tiêu biểu cho một miền đất có bề dầy văn hóa lịch sử bắt đầu được khuyếch trương cho đến tận ngày nay.

Thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập, nằm trong chủ trương khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống vì quốc kế dân sinh, tỉnh Tiền Giang có những chính sách mới thúc đẩy nghề đóng tủ thờ Gò Công tiếp tục phát triển. Từ khi được công nhận Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công vào năm 2003, tỉnh đã xây dựng và triển khai ngay Đề án phát triển làng nghề, tập trung các nguồn lực kiến thiết hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, tạo động lực mở mang nghề đóng tủ thờ Gò Công một cách căn cơ.

Làng nghề tủ thờ Gò công hiện có gần 500 cơ sở cha truyền con nối chuyên đóng tủ thờ lớn nhỏ, cung ứng các loại tủ thờ chất lượng cao theo yêu cầu của khách hàng gần xa. Các cơ sở qui tụ được gần 2.000 lao động; trong đó, có khoảng 1/4 là lao động lành nghề, số còn lại lao động thời vụ.

Nổi tiếng nhất làng nghề có chuỗi 5 cửa hàng mang tên Ba Đức của ông Ngô Tấn Đức và 5 đến 6 cơ sở đóng và kinh doanh tủ thờ Gò Công mang tên Hai Á của ông Phạm Văn Nam…Đây là những nghệ nhân nổi tiếng, kế thừa và phát huy tinh hoa nghề đóng tủ thờ Gò Công truyền thống của cha ông. Địa phương cũng đã thành lập được Hợp tác xã mộc tủ thờ Gò Công. Theo ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã mộc tủ thờ Gò Công, trung bình mỗi năm, làng nghề tủ thờ Gò Công cung ứng cho thị trường từ 5.000 đến 6.000 chiếc tủ thờ.

Chiếc tủ thờ Gò Công ngày nay được các thợ thủ công lành nghề tiếp tục cách tân cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, áp dụng cơ giới và máy móc cùng những tiến bộ mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất giúp rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, giảm bớt lao động thủ công, thay đổi kiểu dáng ngày càng đẹp hơn. Gần như toàn bộ các khâu: cưa, xẻ, bào, tiện gỗ, lộng và cẩn ốc…đều sử dụng máy móc chuyên dùng thay cho sức người.

Xét về trình độ chế tác công phu, tinh xảo, tủ thờ có giá trung bình từ 10 triệu đồng/chiếc đến vài trăm triệu/chiếc. Nghệ nhân Ngô Tấn Đức, chủ sở hữu chuỗi cơ sở đóng tủ thờ Gò Công mang tên Ba Đức cho biết, bản thân ông trước đây từng đóng một chiếc tủ thờ 30 trụ, giá bán 750 triệu đồng theo yêu cầu của một khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của sản phẩm tủ thờ Gò Công rất rộng, không chỉ ở miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tp Hồ Chí Minh...mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Australia... Kinh tế phát triển, đời sống và thu nhập người dân nâng lên, hàng loạt ngôi nhà mới với kiến trúc tân kỳ mọc lên. Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công mạnh mẽ chiếm lĩnh thị trường, bởi ai cũng mong muốn "tậu" được một chiếc tủ thờ tổ tiên để bày  trang trọng trong ngôi nhà mới xây của mình. 

Theo Giám đốc Hợp tác xã mộc, tủ thờ Gò Công Phạm Văn Nam, làng nghề ngày càng phát triển mạnh, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước nên thu nhập của người thợ thủ công làm ra chiếc tủ thờ Gò công ngày một cao. Bình quân mỗi lao động lành nghề từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/ tháng, đối với lao động thời vụ hoặc học việc trên 5 triệu đồng/ tháng. Đây cũng là một trong những làng nghề mà người lao động có thu nhập cao nhất tại tỉnh Tiền Giang. 

Làng nghề sung túc, hộ dân ổn định đời sống và giàu có lên chính là hạt nhân giúp diện mạo nông thôn Tân Trung – vùng ven thị xã Gò Công ngày một tươi đẹp, phồn thịnh sau hơn 44 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 2016, Tân Trung đã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và vinh dự ra mắt xã nông thôn mới, về trước 4 năm so với lộ trình đề ra.

Minh Trí
TTXVN

Có thể bạn quan tâm