Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12: 85% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng đánh trống hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng đánh trống hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/8/2020, Việt Nam có trên 213.000 người nhiễm HIV hiện còn sống và trên 107.800 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong do HIV/AIDS.

Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12: 85% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng đánh trống hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Theo ước tính, số người nhiễm HIV trong cộng đồng khoảng 250.000 người, trong đó đến tháng 9/2020 có 213.097 người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm HIV của mình (chiếm 85%), 150.984 người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình đã được điều trị ARV (chiếm 75%) và tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/ml) (chiếm 96%).

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu 90% thứ nhất và 90% thứ hai, đồng thời phát huy duy trì kết quả rất tốt của mục tiêu 90% thứ ba, hướng tới mục tiêu 95-95-95 là nhiệm vụ quan trọng để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra vào năm 2030.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi lẽ, một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm bệnh cho người thân và cho nhiều người khác trong cộng đồng.

Nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, họ cũng không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.

Đặc biệt, 90% số người đã chẩn đoán có HIV được điều trị ARV, đây là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội.

Các nhà khoa học đã chứng minh "Không phát hiện = không lây truyền", tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và không lây truyền HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng virus HIV ở mức thấp, dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán có HIV cần được kết nối dịch vụ, điều trị bằng ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị.

TTXVN

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm