Bước đột phá tiềm năng trong điều trị HIV/AIDS

Bước đột phá tiềm năng trong điều trị HIV/AIDS

Ngày 7/7, các nhà nghiên cứu cho biết một bệnh nhân nam dương tính với virus HIV/AIDS đang trong tình trạng bệnh thuyên giảm có thể sẽ là bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi mà không cần phải cấy ghép tủy xương.

Bước đột phá tiềm năng trong điều trị HIV/AIDS ảnh 1Xét nghiệm HIV/AIDS tại một cơ sở y tế ở Kigali, Rwanda,ngày 1/12/2019. Ảnh: THX/TTXVN

HIV/AIDS đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên toàn cầu, tuy không còn là "án tử khó tránh" như trước đây song các bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị trọn đời. Trong những năm qua, 2 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được biết đến với biệt danh "Berlin" và "London" dường như đã được chữa khỏi bệnh này sau khi trải qua liệu pháp nhiều rủi ro dùng trong điều trị ung thư là cấy ghép tủy xương. Giờ đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế tin rằng đã có thêm một bệnh nhân được chữa khỏi thông qua một cách thức điều trị khác đơn giản hơn.

Bệnh nhân là một người Brazil, 34 tuổi, được chẩn đoán nhiễm virus HIV/AIDS từ năm 2012. Người bệnh này đã được điều trị bằng một số loại thuốc kháng virus, trong đó có 2 loại thuốc maraviroc và dolutegravir. Kết quả cho thấy bệnh nhân trên đã tiến triển tốt trong hơn 57 tuần mà không cần phải áp dụng phương pháp điều trị và liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính với các kháng thể của HIV/AIDS.

Theo ông Ricardo Diaz, chuyên gia về các bệnh lây nhiễm thuộc Đại học Sao Paulo, với kết quả trên, bệnh nhân được coi là đã khỏi bệnh. Trường hợp đáng chú ý này đã được công bố tại Diễn đàn AIDS quốc tế, tổ chức trực tuyến năm nay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo Liên hợp quốc, năm ngoái thế giới có 1,7 triệu người nhiễm HIV và hiện tại đang có hơn 40 triệu người phải "sống chung" với căn bệnh này. Một số chuyên gia nhận định trường hợp bệnh nhân thứ 3 được chữa khỏi trên là rất đáng quan tâm song cũng cần thêm nhiều nghiên cứu.

Văn Khoa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm