Người hiến tạng, chị Nina Martinez (giữa) và các bác sĩ tại Đại học Johns Hokins ngày 28/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chia sẻ trước báo giới ngày 28/3, 3 ngày sau cuộc phẫu thuật, người hiến tạng, chị Nina Martinez, 35 tuổi cho biết tình hình sức khỏe của bản thân đều ổn. Trong khi đó, Giáo sư Christine Durand thuộc Khoa ung bướu và dược phẩm thuộc Đại học Johns Hokins cho biết sức khỏe của người được ghép thận (không công khai danh tính) cũng chuyển biến tích cực. Hiện công việc của bác sĩ là theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và có phác đồ trị liệu hậu phẫu dài lâu.
Trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật này, các bác sĩ cho rằng quá rủi ro khi bệnh nhân nhiễm HIV chỉ còn 1 quả thận. Tuy nhiên, với sự tin tưởng vào hiệu quả các loại thuốc kháng virus giúp người bệnh có cuộc sống bình thường hiện nay, cuộc phẫu thuật vẫn diễn ra.
Mỗi năm, tại Mỹ, có hàng nghìn người tử vong trong khi chờ đợi ghép nội tạng. Trong khi đó, theo số liệu của trường Y Đại học Johns Hokins, có khoảng 500 đến 600 bệnh nhân HIV có thể hiến trạng mỗi năm và điều này có thể giúp ích cho khoảng 1.000 người cùng nhiễm virus này.
Người hiến tạng, chị Nina Martinez tại Đại học Johns Hokins ngày 28/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cho đến nay mới chỉ diễn ra các ca phẫu thuật ghép tạng giữa các bệnh nhân nhiễm virus HIV và người hiến tạng là bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong hoặc người có sức khỏe bình thường. Năm 2016, Đại học Johns Hokins lần đầu tiên được cấp phép tiến hành ca cấy ghép, tuy nhiên, do việc tìm kiếm người hiến tạng thích hợp đã khiến ca phẫu thuật trì hoãn cho đến nay. Ca phẫu thuật này đánh dấu sự đột phá của ngành y học trong việc chăm sóc người nhiễm HIV hiện nay.
Lan Phương