Một tấm biển tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bệnh HIV/AIDS tại tỉnh Western Cape, Nam Phi. Ảnh: TTXVN |
37,9 triệu người đang sống chung HIV/AIDS
Trong 40 năm qua, dại dịch HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới. Theo thống kê của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trên toàn thế giới có 37,9 triệu người đang sống chung với virus nguy hiểm này và 23,3 triệu người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng HIV (ART). Năm 2018, số ca tử vong do nhiễm HIV đã giảm còn khoảng 770.000 trường hợp, giảm 30.000 ca so với năm 2017 và giảm 33% so với năm 2010 - thời điểm cả thế giới ghi nhận 1,2 triệu ca nhiễm HIV tử vong.
Đặc biệt, trong khi số ca tử vong liên quan đến AIDS tại châu Phi - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của căn bệnh này, giảm trong thập kỷ vừa qua, thì khu vực Đông Âu lại ghi nhận số ca tử vong tăng 5%, khu vực Trung Đông và Bắc Phi cùng ghi nhận mức tăng 9%. Số ca nhiễm mới ở các khu vực này cũng có mức tăng lần lượt 29% và 10%.
Hơn 50% các ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu thuộc nhóm người có nguy cơ cao như người sử dụng ma túy, quan hệ đồng giới, chuyển giới, người làm nghề mại dâm và tù nhân. Và có chưa tới 50% những người trong nhóm này được sử dụng các biện pháp phòng ngừa HIV. Trong năm 2018, toàn thế giới có hơn 160.000 ca nhiễm HIV mới là trẻ em, giảm 41% so với năm 2010, song vẫn nhiều gấp 4 lần so với mục tiêu đề ra.
Hiện HIV được xác định là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở các nước thu nhập thấp và đứng thứ hai ở các nước châu Phi-cận Sahara. Xung đột, nội chiến, biến đổi khí hậu và tình trạng di dân ồ ạt đã và đang khiến nguy cơ lây nhiễm HIV tăng cao cũng như gây ra những khó khăn to lớn trong công tác phát hiện, ngăn ngừa và điều trị HIV-AIDS.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS vẫn còn chậm. Thế giới có thể sẽ không đáp ứng được các mục tiêu của Liên hợp quốc về HIV/AIDS trong năm 2020, do người dân rất nhiều nơi trên thế giới không nhận được các biện pháp phòng tránh và điều trị mà họ cần.
Trước tình hình trên, Giám đốc UNAIDS Gunilla Carlsson đã kêu gọi các quốc gia, các tổ chức cộng đồng cần tích cực hoạt động hơn nữa để đạt mục tiêu xóa sổ hoàn toàn đại dịch AIDS. Đây cũng chính là lý do UNAIDS chọn chủ đề cho Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm nay là “Communities make the diference” (tạm dịch là Cộng đồng tạo nên sự khác biệt).
Điều chế vaccine có tiến triển
Để ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS, trong 40 năm qua, các nước trên thế giới đã có nhiều nỗ lực điều chế vaccine và thuốc điều trị hiệu quả bệnh HIV/AIDS. Một số loại vaccine đang thử nghiệm đã tạo ra một chuỗi phản ứng mạnh trong hệ miễn dịch ở con người và đã bảo vệ các con khỉ không bị lây nhiễm virus HIV.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Dan Barouch trường Đại học Y Harvard (Mỹ) cho biết, vaccine HVTN704 - còn gọi là Imbokodo - đã bước đầu phát huy hiệu quả ở 2/3 trong số 72 con khỉ được tiêm thử nghiệm, bảo vệ chúng không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, kết quả này vẫn chưa thể đảm bảo vaccine HVTN704 có thể phát huy hiệu quả tương tự ở người. Vaccine trên đã được thử nghiệm ở 393 người lớn khỏe mạnh không nhiễm HIV trong độ tuổi từ 18-50 tại Đông Phi, Nam Phi, Thái Lan và Mỹ. Kết quả ban đầu cho thấy, vaccine tạo nên một phản ứng miễn dịch mạnh trong cơ thể người. Vaccine HVTN704 đang được chuyển sang giai đoạn thử nghiệm tiếp theo. Kết quả thử nghiệm HVTN704 chính thức cuối cùng dự kiến sẽ có trong giai đoạn 2021-2022. Cho đến nay, chỉ có duy nhất vaccine RV144 có khả năng bảo vệ con người không bị lây nhiễm HIV ở một mức độ nhất định.
Theo các chuyên gia, việc phát triển một loại vaccine phòng ngừa HIV rất khó khăn vì virus có khả năng biến đổi và ẩn náu trong tế bào, tránh sự tấn công của hệ miễn dịch. Chúng có thể hoạt động trở lại và lây lan sau nhiều năm sau đó. Hiện, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc kháng ARV suốt đời. Bao cao su vẫn là công cụ hàng đầu giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, chủ yếu lây qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn.
Đặc biệt, ngày 28-11-2019, Bộ Y tế Nam Phi giới thiệu thuốc TLD điều trị HIV hoàn toàn mới mang lại hiệu quả cao cùng chi phí hợp lý. TLD là loại thuốc 3 trong 1 bao gồm hoạt chất Tenofovir Disoproxil, Lamivudine và Dolutegravir, trong đó, Dolutegravir là hoạt chất hiện đang được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị HIV giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại các nước có thu nhập đầu người cao. Thuốc TLD dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào ngày 1-12 nhân Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS.
Theo Giám đốc điều hành Unitad Robert Matiru, so với các liệu pháp điều trị hiện hành, TLD có hiệu quả vượt trội trong việc ngăn chặn và đẩy lùi một cách nhanh chóng sự lây lan của virus HIV. Ngoài ra, LTD ít gây phản ứng phụ cũng như có giá thành rẻ hơn hẳn so với các loại thuốc khác. Chi phí điều trị bằng LTD chỉ khoảng 75 USD/ 1 người/ 1 năm và sẽ tiếp tục giảm xuống trong những năm tiếp theo. Đây được xem là một bước tiến vượt bậc trong nỗ lực đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS tại quốc gia có số người mắc cao nhất thế giới này.
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong ngăn ngừa HIV/AIDS
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã phát hiện mới gần 7.800 trường hợp nhiễm HIV, gần 3.000 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, hơn 1.400 trường hợp tử vong. Ước tính đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 211.000 người nhiễm HIV. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (39%) và 30-39 (34%). Trong đó, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền (16%).
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm. Nhưng thay vào đó tỷ lệ của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV, do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
Hướng tới mục tiêu ngăn ngừa và loại trừ đại dịch HIV/AIDS, trong những năm gần đây, ngành y tế Việt Nam đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới thông qua các loại hình xét nghiệm mới như: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV...
Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có gần 53.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Buprenorphine được triển khai ở 7 tỉnh và chuẩn bị thí điểm cấp phát cho bệnh nhân được về nhà. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xử trí nghiện ma túy tổng hợp. Việc điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) tiếp tục được mở rộng. Hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện đạt 92%...
Đặc biệt, ngành y tế đã chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế. Nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, như truyền thông, kiện toàn hơn 400 cơ sở điều trị, đấu thầu thuốc ARV tập trung, mở rộng bảo hiểm y tế và hỗ trợ đồng chi trả; điều phối thuốc ARV... Hiện có 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.
Năm 2019, Việt Nam đã chọn chủ đề của Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, nhằm nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Hiện Việt Nam đã và đang tích cực hành động, hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc phát động trên toàn cầu (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây lan). Năm 2018, kết quả của ba mục tiêu này ở Việt Nam là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có một năm để thực hiện.
Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.
Phương Nam (tổng hợp)
TTXVN