Chiều 13/7, Bộ Y tế cho biết, trong ngày đã ghi nhận 1.001 ca mắc COVID-19 mới, tăng 128 ca so với ngày 12/7; số ca khỏi bệnh tăng gấp 5 lần.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.757.257 ca mắc, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.538 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 5.083 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.785.255 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 24 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 19 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca.
Trong ngày 13/7 không ghi nhận ca tử vong.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.090 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Ngày 12/7 có 366.938 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 236.478.147 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 208.122.419 liều: Mũi 1 là 71.291.239 liều; Mũi 2 là 68.813.593 liều; Mũi 3 (vắc xin Abdala) là 1.511.880 liều; Mũi bổ sung là 14.145.741 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 46.553.591 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 5.806.375 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.920.577 liều: Mũi 1 là 9.008.036 liều; Mũi 2 là 8.664.292 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 1.248.249 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 9.435.151 liều: Mũi 1 là 6.594.496 liều; Mũi 2 là 2.840.655 liều.
Những người đã mắc COVID-19 biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Nhiều người dân sau khi tiêm vaccine mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em.
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Đến nay, tại Việt Nam, nhiều người đã tiêm hết các mũi vaccine phòng COVID-19 cơ bản từ 4-6 tháng. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Bộ Y tế nhấn mạnh, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Do đó, cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
TTXVN