New Zealand khai quật hàng nghìn hóa thạch của quần thể động vật niên đại 3 triệu năm

New Zealand khai quật hàng nghìn hóa thạch của quần thể động vật niên đại 3 triệu năm

Nghiên cứu mới công bố ngày 28/8 trên tạp chí Journal of Geology and Geophysics của New Zealand đã mô tả 266 loài hóa thạch được tìm thấy trong đường ống nước thải ở thành phố Auckland là một trong những quần thể động vật niên đại 3 triệu năm phong phú và đa dạng nhất được phát hiện từ trước đến nay ở nước này.

Theo nghiên cứu do Bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh Auckland, Đại học Auckland, Viện nghiên cứu GNS Science và Geomarine Research phối hợp thực hiện, ít nhất 10 loài chưa được biết đến trước đây sẽ được mô tả và đặt tên trong nghiên cứu trong tương lai. Nhà cổ sinh vật học Bruce Hayward, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch của loài ốc lanh được cho là lâu đời nhất thế giới, xương sống của loài cá nhám cưa đã bị tuyệt chủng và răng của cá mập trắng lớn tại một ụ cát dưới nhà máy xử lý nước thải Mangere ở Auckland hồi năm 2020. Trong nhiều tháng tìm kiếm, các nhà khảo cổ ước tính đã phân tích khoảng 300.000 mẫu hóa thạch, trong đó vài nghìn mẫu đã được đưa vào bảo tàng để lưu giữ những phát hiện hiếm có này.

Nghiên cứu cho thấy các hóa thạch có niên đại cách đây từ 3-3,7 triệu năm trong một kênh thủy triều tại khu vực ngày nay là cảng Manukau. Theo nhà nghiên cứu Hayward, ở thời điểm đó, mực nước biển cao hơn so với hiện nay khi nhiệt độ Trái Đất cũng ấm hơn ngày nay vài độ C. Theo đó, các hóa thạch được khai quật cũng bao gồm một số loài cận nhiệt đới có họ hàng sống tại những vùng nước ấm xung quanh đảo Norfolk và quần đảo Kermadec ngày nay.

Trần Quyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm