Là tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang không chỉ nổi tiếng bằng những danh lam thắng cảnh hút hồn, mà còn gây ấn tượng với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Điều này không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương, mà còn tạo động lực đổi với phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Nâng tầm sản phẩm
Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết: Sau hơn 6 năm triển khai, đến nay Hà Giang đã có 157 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó, có 153 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia). Nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành biểu tượng thương hiệu nông sản Hà Giang, đặc biệt là sản phẩm như chè shan tuyết, mật ong bạc hà, cam sành, thịt bò vàng hay hồng không hạt.
Cách thành phố Hà Giang khoảng gần 100 km, Quang Bình không chỉ nổi tiếng với hương chè Shan tuyết đậm đà, vườn cam vàng trĩu ngọt mà còn đặc trưng bởi món thịt mắm của đồng bào dân tộc Tày - những sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện nay, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị bền vững, nâng cao niềm tin người tiêu dùng để phát triển các sản phẩm đặc trưng này.
Tại xã Xuân Giang, món thịt mắm của bà Hoàng Thị Vén, dân tộc Tày ở thôn Trung được chế biến từ lợn đen cùng 21 loại gia vị truyền thống như giềng, rau răm, lá cơm đỏ, bỗng rượu nếp cái... Thịt mắm bảo quản lâu năm, hương vị hòa quyện vị ngọt, chua, cay, tạo dư vị khó quên. Năm 2021, sản phẩm này đạt chuẩn OCOP, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm quà đặc sản.
Cơ sở sản xuất chè Shan tuyết của anh Lý Chàn Tòng tại xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình hiện có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, tiêu thụ rộng rãi cả trong và ngoài nước. Với vùng nguyên liệu trồng hữu cơ, chè Quang Sơn - Tiên Nguyên loại cao cấp có giá 1 triệu đồng/kg, xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài chè, cơ sở còn phát triển sản phẩm thảo quả rừng, hướng đến chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Là huyện vùng cao biên giới nằm ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang, những năm qua huyện Đồng Văn đã tập trung đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm xây dựng các sản phẩm chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ. UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tập trung phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng như: Rượu hạ thổ Mã Pì Lèng, mật ong bạc hà, mận tam hoa, chè Shan tuyết Lũng Phìn, thịt khô bò vàng, ớt gió, miến dong, gạo khẩu mang và vải lanh. Đến nay, Đồng Văn đã có 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ đặc sản vùng cao.
Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2025 huyện Đồng Văn tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Huyện phối hợp với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông về sản phẩm OCOP nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của chương trình OCOP, góp phần đẩy mạnh kinh tế nông thôn bền vững và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, chương trình OCOP đã giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ốn định cho người dân. Việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với khai thác văn hóa, tri thức bản địa và phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả to lớn, đánh dấu sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.
Mỗi sản phẩm OCOP của Hà Giang là một câu chuyện sống động về đất và người nơi đây. Đó có thể là vị chua thanh tao của mật ong bạc hà từ cao nguyên đá Đồng Văn, là hương thơm ngọt lành của chè Shan tuyết cổ thụ vươn mình trên những đỉnh núi mờ sương, hay sắc màu rực rỡ của thổ cẩm được dệt bằng bàn tay của những người phụ nữ Mông.
Các sản phẩm OCOP không chỉ mang giá trị kinh tế, mà còn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Mỗi món hàng là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn về đời sống, phong tục tập quán và niềm tự hào của người dân Hà Giang.
Khẳng định thương hiệu
Những năm gần đây, chương trình OCOP tại Hà Giang đã tạo nên sức bật mạnh mẽ. Sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và kết nối thị trường từ chính quyền địa phương đã giúp nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.
Ngoài ra, các hội chợ, triển lãm hay phiên chợ vùng cao cũng là nơi quảng bá hiệu quả, đưa thương hiệu OCOP Hà Giang gần gũi hơn với người tiêu dùng. Đặc biệt, việc kết hợp với du lịch đã giúp sản phẩm OCOP trở thành món quà mang giá trị tinh thần, gửi gắm trọn vẹn hương vị và tình yêu của Hà Giang đến du khách thập phương.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, Hà Giang không ngừng đổi mới để nâng tầm các sản phẩm OCOP. Những nhà sản xuất đã chú trọng hơn đến bao bì, mẫu mã, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hương vị truyền thống. Hành trình ấy không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ người dân mà còn cần sự đồng hành của chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng du khách. Mỗi sản phẩm được mua không chỉ là hành động ủng hộ mà còn là sự trân trọng với tinh hoa của vùng đất cao nguyên đá.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, nhưng việc phát triển chương trình OCOP tại Hà Giang vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các chủ thể khó đáp ứng tiêu chuẩn khát khe của các sản phẩm 4 - 5 sao. Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại những bất cập, đặc biệt trong việc quản lý nhãn hiệu dùng chung và nhãn hiệu hàng hóa.
Theo ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2025 Hà Giang tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP, đánh giá, phân hạng sản phẩm, phấn đấu có từ 40 sản phẩm trở lên được đánh giá đạt sao. Phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của các địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm đạt sao vào tiêu thụ trong các siêu thị. Đồng thời thực hiện tốt quản lý sản phẩm; bảo tồn, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng gắn với du lịch.
Nếu có dịp ghé thăm Hà Giang, hãy thử thưởng thức một tách trà Shan tuyết, nếm mật ong bạc hà ngọt lành hay cầm trên tay một chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Đó không chỉ là những món quà ý nghĩa mà còn là chiếc chìa khóa mở ra thế giới của văn hóa và con người nơi đây.
Mảnh đất, con người Hà Giang và thương hiệu các sản phẩm OCOP luôn chào đón du khách trong và ngoài nước với những điều bình dị nhưng chứa đựng cả tâm tình của người dân vùng cao - chân chất, mộc mạc nhưng đầy nhiệt huyết và tự hào./.
Minh Tâm