Nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam

Nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam

Mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở quy hoạch thành làng sản xuất tập trung, kiểm soát tốt khâu an toàn thực phẩm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh quảng bá nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống nói chung, nghề làm bánh nói riêng đang là hướng phát triển bền vững huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hướng đến.

Nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam ảnh 1Sản xuất bánh in bột nếp tại cơ sở sản xuất bánh truyền thống thôn An Lạc, xã Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Bếp chế biến nguyên liệu làm nhân của cơ sở sản xuất bánh nếp Lợi Phổ, một trong 25 cơ sở sản xuất bánh truyền thống ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên luôn đỏ lửa suốt ngày đêm phục vụ nhu cầu sản xuất bánh cho thị trường Tết Giáp Thìn. Bà Hồ Thị Nhung, chủ cơ sở cho biết, mỗi ngày, cơ sở sử dụng hết hai tạ bột nếp, đường cát và một số nguyên liệu tự nhiên khác để sản xuất hơn một tạ bánh khô các loại như, bánh nổ, bánh in, bánh đậu xanh, bánh nếp với tiêu chí hàng đầu là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Nhung, trong sản xuất bánh, mứt các loại, các cơ sở bánh truyền thống luôn đặt lên hàng đầu khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tất cả nguyên liệu đầu vào như nếp phải đảm bảo ngon, sạch, đường cát và các loại nguyên liệu khác được chọn lựa từ cơ sở cung cấp có uy tín, nguyên liệu đầu vào xuất xứ rõ ràng. Người tham gia sản xuất, đóng gói đều được kiểm tra y tế định kỳ.

Nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam ảnh 2Sản xuất bánh in bột nếp tại cơ sở sản xuất bánh truyền thống thôn Văn Quật, xã Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ cơ sở sản xuất bánh quy mô lớn ở thôn Văn Quật, xã Duy Thành chia sẻ, bước vào mùa làm bánh truyền thống phục vụ thị trường Tết năm nay, người sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao, đầu ra có phần chậm. Cơ sở của anh vẫn duy trì sản xuất, chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu và tăng tốc vào tháng cuối năm, đảm bảo cung cấp sản phẩm cho thị trường Tết.

Giữ chữ tín với người tiêu dùng, bên cạnh thực hiện đầy đủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, người làm bánh truyền thống của xã Duy Thành luôn chọn nếp dẻo, thơm, đường cát, củ gừng tươi và nguyên liệu khác có xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến, sấy hấp, đóng gói đều được kiểm tra thường xuyên.

Dịp Tết Giáp Thìn, làng sản xuất bánh truyền thống xã Duy Thành cung cấp cho thị trường trên 15 tấn sản phẩm các loại. Sản phẩm bánh truyền thống của huyện Duy Xuyên không những tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố lân cận như Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên mà còn có đại lý tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm.

Nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam ảnh 3Sản xuất bánh truyền thống tại cơ sở sản xuất bánh xã Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Không ai biết chính xác nghề làm bánh truyền thống của Duy Xuyên có từ bao giờ, song toàn huyện hiện có trên 200 hộ sống bằng nghề này. Nhờ hiệu quả kinh tế đem lại khá cao và ổn định, người dân mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bánh, lò sấy, máy đóng gói, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều mẫu mã hấp dẫn.

Nhiều cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu, đảm bảo độ tin cậy về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Để đủ sức cạnh tranh, người làm bánh truyền thống ở Duy Xuyên mong được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Nâng tầm giá trị sản phẩm các nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam ảnh 4Nướng bánh bằng lò điện thay cho lò bằng than củi, góp phần nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, sản phẩm bánh truyền thống của bà con tiêu thụ gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh các mặt hàng ngoại nhập, thêm vào đó, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Nhằm nâng tầm quy mô và giá trị nghề truyền thống, xã đang quy hoạch lại làng sản xuất bánh một cách bài bản, mở rộng quy mô sản xuất, kết hợp làng sản xuất bánh truyền thống với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu làng nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ. Để làm được điều này, ngoài nguồn lực tại chỗ, xã mong muốn, cơ quan chức năng hỗ trợ về quy hoạch, vốn và kỹ thuật. Các ngành hỗ trợ địa phương tăng cường quảng bá sản phẩm trên phiên chợ, cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên Nguyễn Chí Công, các nghề truyền thống, trong đó, có nghề sản xuất bánh của các địa phương trong huyện là ngành kinh tế có giá trị cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong quy hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện tiếp tục lồng ghép các làng nghề với phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân vay vốn lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển nghề truyền thống gắn xây dựng sản phẩm OCOP nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm