Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí

Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã nâng cao năng lực tham gia góp ý, phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng; tích cực thực hiện các chương trình phối hợp giám sát, bước đầu chú trọng những nội dung, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Đặc biệt, Mặt trận đã xây dựng cơ chế và triển khai Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
 
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận, vai trò, trách nhiệm tham gia công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của người dân. Xã hội, nhân dân kỳ vọng nhiều hơn ở tính tích cực, chủ động, mạnh mẽ và năng lực giám sát, phản biện của Mặt trận thông qua việc phát hiện chính xác, kịp thời, không né tránh, có chính kiến từ phía Mặt trận các cấp, trước yêu cầu, đòi hỏi và áp lực cao hơn từ công tác này.
 
Ở góc độ địa phương, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc phát hiện tham nhũng, lãng phí được thực hiện qua nhiều kênh như các đợt tiếp xúc cử tri, qua hệ thống Mặt trận, HĐND, báo chí, đơn khiếu nại, tố cáo… Nguy cơ tham nhũng có thể có nhiều, nhưng phải phân công cách xử lý và triển khai thế nào cho hiệu quả. Cuối năm 2017, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định 1374 xử lý các thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng. Việc triển khai được thực hiện theo tinh thần tham nhũng, lãng phí ở cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý, các cơ quan có quy trình để thực hiện và thường xuyên có báo cáo cấp ủy.
 
Để công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả,  Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Mặt trận của 63 tỉnh, thành phố có thể giới thiệu ít nhất một trường hợp điển hình có liên quan đến tham nhũng, lãng phí do Mặt trận kiến nghị và được xử lý có kết quả, tập hợp lại thành một quyển sách nhỏ. Điều này sẽ giúp nhìn thấy được vai trò của Mặt trận và đây cũng là kinh nghiệm của Mặt trận trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để công cuộc phòng, chống tham nhũng được hiệu quả, vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân rất quan trọng, đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thực hiện dân chủ, phản biện xã hội.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, người dân có thể đưa ra những nhận xét đánh giá khách quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng của cơ quan nhà nước. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống tham nhũng của các tổ chức đoàn thể; đồng thời, cơ quan nhà nước sẽ chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân và kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý.
 
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Mặt trận các cấp của thành phố đã tổ chức nhiều hình thức như hội nghị tiếp xúc và đối thoại với nhân dân; thông qua Tổ dư luận xã hội, hộp thư góp ý… để tiếp nhận ý kiến của nhân dân. Từ đó, Mặt trận Tổ quốc thành phố phối hợp với Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xử lý các nguồn thông tin liên quan đến các hành vi tham nhũng do người dân cung cấp đối với các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các nội dung về giải pháp tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự tham gia tích cực của đông đảo người dân đối với công tác phòng chống tham nhũng; giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề xuất các nội dung góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng…/.
  Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm