Sự kiện là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động đoàn kết, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Nhà chờ điện tử màu cam mang thông điệp của tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại đường Hàm Nghi (quận 1). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát đầu vào “Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 cho thấy: Có 18,5% phụ nữ cho biết họ đã bị quấy rối tình dục; 11,7% nam giới thừa nhận đã có hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng trong vòng 12 tháng qua. Vì vậy, sự kiện còn là diễn đàn để nam giới, cộng đồng và toàn xã hội thảo luận, đóng góp, đưa ra giải pháp để chấm dứt vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em ở nơi công cộng. Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự kiện "Bữa sáng Ruy băng trắng” không chỉ hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của nam giới trong việc ủng hộ, thúc đẩy trao quyền của phụ nữ mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng việc xóa bỏ những định kiến giới, ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái. Từ đó, tiến tới xây dựng những chính sách kinh tế, xã hội có nhạy cảm giới để đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được phát triển mọi tiềm năng, tận hưởng các cơ hội ngang bằng với nam giới, trẻ em trai.
Đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia sự kiện "Bữa sáng Ruy băng trắng” và ra quân “Hành trình xe buýt màu cam an toàn”. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Ý thức được tình trạng bạo lực, quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái và tầm quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ an toàn cho hành khách, người tham gia phương tiện vận tải công cộng, những năm qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn cho hành khách trong đó có phụ nữ, trẻ em gái. Cụ thể, đơn vị đầu tư phương tiện đạt chuẩn, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách ở 21 tuyến xe buýt điểm (như trang bị wifi miễn phí, báo, ấn phẩm tuyên truyền..); lắp đặt hệ thống camera giám sát lộ trình, nhân viên, tài xế, hành khách trên hơn 2.300 xe buýt nhằm hạn chế hành vi phạm pháp luật, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trên xe buýt…
Ra quân tuyến xe buýt màu cam, đặc trưng của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Theo ông Hà Lê Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Trung tâm còn đầu tư, cải tạo hạ tầng nhà chờ, nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, người khuyết tật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách các biện pháp răn đe, hạn chế tình trạng quấy rối tình dục và xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, tại điểm dừng xe buýt, hướng đến xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện, an toàn, văn minh. Cũng tại sự kiện lần đầu tiên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố ra quân tuyến xe buýt màu cam, đặc trưng của chiến dịch và khánh thành nhà chờ điện tử màu cam mang thông điệp Tháng hành động tại đường Hàm Nghi (Quận 1). Ngoài ra, Trung tâm phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức quốc tế chống đói nghèo (UN Women và Action Aid) dán thông điệp truyền thông “Vì thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em” trên 26 tuyến xe buýt, nhà chờ. UBND Quận 1, Quận 10 ra mắt 5 câu lạc bộ “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” với hơn 150 thành viên…
Đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia sự kiện "Bữa sáng Ruy băng trắng” và ra quân “Hành trình xe buýt màu cam an toàn”. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011-2015, mỗi ngày ở Việt Nam có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện từ năm 2011 tới năm 2015, nạn nhân là phụ nữ (tuổi từ 16 đến 59 tuổi) chiếm 74,24%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid Việt Nam năm 2014, 87% phụ nữ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng./.
Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN