Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, tỉnh Kiên Giang gặp nhiều những bất cập và tác động, ảnh hưởng của quyết định này trong triển khai chính sách dân tộc trên địa bàn.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 19/6/2021 của Uỷ ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được phân định có 2 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), 1 xã khu vực II (xã còn khó khăn), 46 xã khu vực I (xã bước đầu phát triển) và 15 ấp đặc biệt khó khăn. So với giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh giảm 21 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, tăng 17 xã khu vực I , giảm 36 xã khu vực II, 2 xã khu vực III giảm và giảm 38 ấp đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, sau khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg, địa bàn, phạm vi và đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc giảm số lượng lớn. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang có nhiều người Khmer - được xác định là dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới rất cần sự trợ giúp từ các chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như phát triển nhân lực.
Sau khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT trên địa bàn tỉnh, số lượng người dân được cấp bảo hiểm y tế giảm khá lớn, hơn 66.000 đối tượng. Đời sống của người Khmer còn nhiều khó khăn, họ không có khả năng mua bảo hiểm y tế cho các thành viên trong gia đình nên gặp nhiều bất lợi trong điều trị bệnh, nhất là khi mắc phải những bệnh hiểm nghèo.
Trên lĩnh vực giáo dục, trước sự sụt giảm địa bàn xã khu vực I, II và III, việc hỗ trợ cho học sinh bị cắt giảm… dẫn đến nguy cơ học sinh, sinh viên bỏ học nửa chừng là rất cao.
Mặt khác, sau khi phân định lại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số địa bàn thụ hưởng chính sách giảm. Địa bàn không còn chính sách hỗ trợ, ưu đãi dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động xin thuyên chuyển công tác đã tác động, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ở vùng biên giới và những xã vừa thoát khỏi vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, các xã, ấp, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thu hẹp lại, từ đó việc phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 để thực hiện chế độ chính sách giảm số lượng tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh các cấp học trên địa bàn.
Ngoài ra, việc vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - xã hội của một bộ phận hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng bị tác động và ảnh hưởng trong vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trong khi đó, nhu cầu vay vốn của người Khmer là rất lớn để tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, người dân được tiếp cận các dịch vụ trong giai đoạn phát triển nền kinh tế mở cửa, hội nhập như hiện nay, nhất là đối với các xã, ấp đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, tỉnh kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề trong triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho hay, tỉnh kiến nghị, đề xuất Trung ương điều chỉnh lại tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và các tiêu chí xác định xã khu vực I, II, III và ấp đặc biệt khó khăn theo hướng tiêu chí của xã, phường, thị trấn có số dân là người dân tộc thiểu số từ 5.000 người trở lên được xác định là xã khu vực I, từ 1.200 người trở lên là xã khu vực II (đối với các tỉnh Tây Nam Bộ). Tỉnh đề nghị có chính sách đối với hộ người dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đang cư trú tại các xã khu vực I, II như chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế và một số vấn đề khác; rà soát, điều chỉnh chính sách dân tộc đối với hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số; phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, phường và thị trấn, với định mức hỗ trợ 4 triệu đồng/người để phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng với đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới được kéo dài thêm 1 năm kể từ ngày có quyết định công nhận được tiếp tục thụ hưởng chương trình tín dụng cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Tỉnh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cân đối lại giá sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì hiện nay giá sách lớp 1, lớp 2, lớp 6 là khá cao, vượt quá khả năng mua sắm của gia đình học sinh ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Lê Huy Hải