Sáng 19/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương và lãnh đạo 52 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự hội nghị trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết năm 2021, Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 chương trình, đề án, chính sách dân tộc. 2021 cũng năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm giai đoạn 2021-2026.
Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030…
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong năm 2021, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp đã khắc phục khó khăn trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và các khó khăn đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi để nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021. Trong đó có việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình Mục tiêu Quốc gia) và chuẩn bị tốt các điều kiện để quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia ở địa phương. Ủy ban Dân tộc cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nắm tình hình dịch bệnh, thiên tai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác dân tộc và ban hành các chính sách đặc thù riêng của từng địa phương như: chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ học phí và trợ cấp xã hội cho học sinh dân tộc thiểu số; chính sách về chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách bảo hiểm y tế đối với Người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chính sách hỗ trợ, tặng quà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu; chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban dân tộc các tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, Uỷ ban Dân tộc đề ra các giải pháp lớn như: Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt; Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể; Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị, Ban Dân tộc các địa phương; Phát huy vai trò của người đứng đầu và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ.
Năm 2022, Ủy ban Dân tộc đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; Tổ chức thực hiện tốt giai đoạn I của Chương trình Mục tiêu Quốc gia; Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025…
Các đại biểu tham gia thảo luận trực tuyến đều có ý kiến đồng tình với báo cáo của Hội nghị và những kết quả đạt được của việc thực hiện triển khai công tác dân tộc trong năm 2021 giúp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều thay đổi về diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được ổn định.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc, các ban, bộ ngành trung ương và các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2021 trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước ta.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nhấn mạnh công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị các cơ quan làm công tác dân tộc lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; Bám sát và nắm bắt tình hình thực tiễn các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là về đời sống của bà con đồng bào, tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm “nóng” về an ninh trật tự...
Trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kịp thời có những chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định cuộc sống, bảo vệ an toàn cho sức khỏe và tài sản của nhân dân; Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai oạn 2021-2030; Nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc thù vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ để tạo sinh kế bền vững và nâng cao trình độ, tay nghề, nhận thức, tinh thần tự lực tự cường, thoát nghèo vượt khó cho đồng bào DTTS; từng bước thay thế các chính sách “cho không” bằng các chính sách hỗ trợ tín dụng, công cụ, phương tiện sản xuất…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và các ý kiến phát biểu của các cơ quan, các địa phương góp ý tại hội nghị. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn năm 2022 và những năm tiếp theo, Ủy ban Dân tộc tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; đặc biệt là sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương để công tác dân tộc, chính sách dân tộc phát huy được hiệu quả tốt đẹp, mang lại cuộc sống ổn định và ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoàng Tâm - Bích Hạnh