Những chú chuột thí nghiệm. Ảnh: nouvelobs.com |
Nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Masahito Ikawa thuộc Đại học Osaka đứng đầu, đã tiến hành kiểm tra sức khỏe sinh sản của 12 con chuột đực có 35 ngày sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong các lồng được thiết kế đặc biệt. Một số con được thí nghiệm trong môi trường không trọng lực, trong khi những con khác được đặt trong các lồng được cung cấp trọng lực nhân tạo. Khi trở về Trái Đất, các nhà nghiên cứu đã lấy tinh trùng của những con chuột đực này để thụ tinh với trứng của những con chuột cái chưa từng được đưa lên vũ trụ. Kết quả cho thấy những "phi hành gia" chuột đực có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports kết luận việc ở ngoài vũ trụ trong thời gian ngắn không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới, chức năng của tinh trùng và cơ hội sống của bào thai.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ là bước đột phá đầu tiên và không đưa ra kết luận liệu cơ quan sinh sản của con người, hay chuột cái, có bị ảnh hưởng ở môi trường ngoài không gian hay không.
Các kết quả nghiên cứu công bố trước đó cho thấy việc du hành vũ trụ có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, sau khi các thí nghiệm phát hiện tinh trùng đông lạnh của chuột sống 9 tháng ngoài vũ trụ bị nhiễm phóng xạ. Ngoài ra, số lượng tinh trùng của những con chuột trải qua 13 ngày trên quỹ đạo cũng bị suy giảm đáng kể. Giới khoa học cũng tin rằng môi trường ngoài không gian có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe, như làm giảm số lượng cơ và xương, cũng như gây đột biến tế bào do tiếp xúc với bức xạ.
Phan An
TTXVN