Quang cảnh Singapore ngày 12/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Singapore, ngay từ cửa ngõ sân bay quốc tế Changi đều hoáng ngợp bởi sự hiện đại và "ngăn nắp" trong hệ thống giao thông của đất nước này với mạng lưới đường cao tốc trải dài cùng nhiều làn xe lưu thông như mắc cửi, nhưng không hề có tiếng còi inh ỏi hay bất kỳ sự hỗn loạn nào. Để có được hệ thống giao thông tiên tiến như vậy, đó là nhờ Chính phủ Singapore có tầm nhìn xa trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển chiến lược giao thông ngay từ những năm đầu của thập kỷ 70. Singapore đã tiến hành quy hoạch chiến lược mạng lưới các trục giao thông để hình thành bộ khung cứng cho hệ thống giao thông trong tương lai sau 40 năm và được phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5 năm, 10 năm và 15 năm.
Các phương tiện di chuyển trên đường phố Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Sau mỗi giai đoạn 10 năm quy hoạch, chiến lược này lại được xem xét điều chỉnh một lần. Tầm nhìn chiến lược của Singapore là xây dựng hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao. Mục tiêu đến năm 2030 của Singapore là tăng cường mạnh hệ thống giao thông công cộng lên 75%, xây dựng hệ thống giao thông cho người sử dụng Door to Door, giảm thời gian di chuyển và 80% hộ gia đình chỉ mất 10 phút đi bộ đến trạm xe công cộng.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Khương thuộc Đại học Quốc gia Singapore 1, hiện nay, Chính phủ Singapore đã phát triển nhiều dự án giao thông thông minh như các ứng dụng giúp định hướng tuyến đường xe buýt và tàu điện ngầm, hay việc phát triển các khu đa chức năng nhằm giảm thiểu nhu cầu đi lại và cung cấp việc lựa chọn giao thông công cộng chất lượng cao.
Mới đây, Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) Singapore đã bắt đầu phát triển hệ thống thu phí đường bộ điện tử thế hệ mới dựa trên công nghệ định vị vệ tinh, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2020. Công nghệ này giúp kiểm soát tắc nghẽn, tạo điều kiện cho người sử dụng xe và kiểm soát phí sử dụng đường bộ. Mặt khác, với hệ thống này, mỗi xe sẽ trở thành một bộ cảm biến giúp chính phủ có cái nhìn tổng thể, chính xác về tình hình giao thông và can thiệp nếu cần thiết. Thậm chí, dữ liệu này còn có thể được truyền ngược lại tới lái xe, giúp họ lập kế hoạch cho cuộc hành trình, tránh các con đường tắc nghẽn.
Thêm vào đó, Singapore cũng đã thử nghiệm hệ thống sử dụng điện thoại thông minh của người dân để tính toán độ gập ghềnh khi họ tham gia những chuyến xe buýt, từ đó có thể chỉ ra các yêu cầu bảo trì đường bộ cần thiết. Tất cả những điều này cho thấy Chính phủ Singapore luôn coi trọng và đặt người dân lên hàng đầu trong việc xây dựng bất kỳ một chiến lược hay chính sách phát triển nào.
Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho biết trong năm 2019 tới đây, Singapore sẽ triển khai thí điểm dự án 100.000 “cột đèn thông minh” nhằm biến các đèn chiếu sáng thông thường thành các trạm cảm biến môi trường giúp giám sát chất lượng không khí, lượng mưa, độ ẩm và nhiệt độ hay cảm biến tiếng ồn để phát hiện những âm thanh lớn bất thường như là tiếng la hét của người dân hay một vụ tai nạn xe hơi nhằm hỗ trợ quản lý giao thông cũng như cải thiện quy hoạch đô thị. Đây cũng được coi là một trong những nỗ lực và cam kết của Chính phủ Singapore trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
TTXVN
TTXVN