Long An: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp

Long An: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp
Theo đó, Long An tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các doanh nghiệp để nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động (Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, các chính sách về bảo hiểm tai nạn…), qua đó giúp doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, nhất là giải quyết tranh chấp lao động, về quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và giai đoạn phát triển hiện nay.
Xưởng sản xuất hàng may mặc của một doanh nghiệp tại Long An. Nguồn: Báo Long An online
Xưởng sản xuất hàng may mặc của một doanh nghiệp tại Long An. Nguồn: Báo Long An online
Long An tập trung kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động cấp huyện, trọng tài lao động cấp tỉnh; thanh tra, kiểm tra, tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan, Liên đoàn Lao động, UBND các cấp trong việc kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước với doanh nghiệp, người lao động, trước khi cấp phép cho nhà đầu tư.
 
Tỉnh định kỳ tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành; kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không chấp hành quy định của pháp luật lao động, vi phạm quyền lợi của người lao động; hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra và báo cáo trung thực bằng văn bản về tự kiểm tra của đơn vị, doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động.
 
Ngoài ra, Long An tăng cường công tác nắm, theo dõi tình hình, bám sát địa bàn, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lao động nhập cư, vận động quần chúng nhân dân và người lao động nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các phần tử xấu gây rối loạn làm mất an ninh trật tự nơi công cộng, khu dân cư.

Tỉnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn trong doanh nghiệp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, trang bị kiến thức cho công đoàn cơ sở về hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động; kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người lao động, xử lý phù hợp.

Tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, trong đó chú trọng các nghề, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh, cuối năm 2018, Long An có 29 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp. Phần lớn tổ chức cơ sở đảng đã phát huy tốt vai trò trong doanh nghiệp thông qua sự lãnh đạo hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công tác quốc phòng-an ninh. Trong công tác xây dựng Đảng, Long An đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Vai trò của tổ chức Đảng, Công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp ngày càng được  củng cố và phát huy, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động.
 
Tuy vậy, tại Long An, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao động chưa thường xuyên. Quản lý nhà nước về tranh chấp lao động, đình công còn bất cập trong phối hợp giữa ngành và địa phương; hòa giải viên lao động chưa được củng cố kịp thời, đội ngũ cán bộ thanh tra lao động còn thiếu.
  
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ quy định của Luật Lao động (hợp đồng lao động, hợp đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…), vi phạm thời gian thử việc, chế độ nghỉ phép năm (theo ngành nghề nặng nhọc, độc hại).

Một số chủ doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài có thái độ, hành vi coi thường, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người lao động. Không ít người lao động chưa quen với tác phong công nghiệp, nhận thức pháp luật lao động hạn chế.

Tổ chức Công đoàn trong một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thật sự là cầu nối giữa người lao động với người sử dụng lao động, chưa thể hiện được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Mặt khác, cán bộ Công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh đều hưởng lương từ người sử dụng lao động nên chưa mạnh dạn trong đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân lao động./.
  Thanh Bình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm