Long An bảo tồn, gìn giữ giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch

Ngày 9/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch.

vna_potal_long_an_bao_ton_gin_giu_gia_tri_di_tich_lich_su_-_van_hoa_gan_voi_phat_trien_du_lich_7530790 (1).jpg
Hội nghị về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Long An có vị trí đắc địa, là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Long An có tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

Trong đó, tài nguyên du lịch nhân văn thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Các di tích lịch sử - văn hóa đóng vai trò quan trọng và được khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và mang đậm bản sắc vùng miền. Tính đến nay, Long An có 126 di tích (lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ), trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 105 di tích cấp tỉnh, bên cạnh đó còn có 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, ngoài giá trị giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa còn góp phần thu hút lượng lớn du khách trong thời gian qua.

vna_potal_long_an_bao_ton_gin_giu_gia_tri_di_tich_lich_su_-_van_hoa_gan_voi_phat_trien_du_lich_7530789.jpg
Học sinh Long An tham quan Đền tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (huyện Tân Trụ, Long An). Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Xác định tầm quan trọng của các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, tỉnh Long An đã tổ chức nhiều hoạt động du lịch gắn với tham quan các di tích văn hóa - lịch sử trong học sinh, sinh viên trong tỉnh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn và nâng cao kiến thức về lịch sử, góp phần phát huy tinh thần yêu nước, thể hiện lòng tự hào dân tộc.

Trong năm 2023, Long An thu hút khoảng 176.000 lượt khách đến tham quan và tham gia lễ hội tại các khu di tích lịch sử - văn hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2024 số lượt khách du lịch đến Long An đạt hơn 800 ngàn lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, đạt 62% so kế hoạch. Trong đó có 140.000 lượt khách đến tham quan và tham gia lễ hội tại các khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, riêng đối với bảo tàng và các di tích lịch sử - văn hóa do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý thu hút khoảng 123 đoàn với 21.148 lượt khách đến tham quan.

Kết quả tổ chức ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh: có 216/372 trường học trên địa bàn tổ chức cho học sinh đi tham quan, đạt 58,06%; theo đó có tổng số 67.032/ 29.502 học sinh trên toàn tỉnh được tổ chức đi tham quan, đạt 29,21%.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, nhìn chung các di tích lịch sử trên địa bàn bước đầu đã được khai thác, sử dụng, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống và tham quan du lịch. Tuy nhiên còn nhiều tồn tại, hạn chế, dịch vụ tại các khu di tích lịch sử - văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ, tham quan và mua sắm của du khách như: thiếu quầy giải khát, các mặt hàng lưu niệm còn hạn chế, mẫu mã chưa phong phú, đa dạng; nhà vệ sinh công cộng bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đảm bảo đầy đủ buồng vệ sinh dành cho người khuyết tật; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, chưa kết nối với các điểm tham quan du lịch. Việc tham quan, học tập của đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh tại bảo tàng và các di tích nhiều khi còn nặng về hình thức, qua loa, chủ yếu là chấp hành chỉ đạo của cấp trên…

vna_potal_long_an_bao_ton_gin_giu_gia_tri_di_tich_lich_su_-_van_hoa_gan_voi_phat_trien_du_lich_7530788.jpg
Học sinh tham quan Bảo tàng Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Để công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, theo đúng định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn nhằm đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm du lịch của tỉnh, từ đó hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Thực hiện phương châm “Người Long An du lịch Long An”, gắn di tích với phát triển du lịch, thu hút du khách đến với di tích, hiểu và yêu quý di tích, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thành Thanh mong muốn, ban đầu việc này hướng vào đối tượng học sinh - sinh viên, đưa học sinh Long An đi du lịch Long An, nhưng phải thiết thực và hiệu quả.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành hữu quan khắc phục những tồn tại, hạn chế trên để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả thiết thực – ông Nguyễn Thành Thanh cho biết.

Đức Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm