Lợi ích kép từ trồng Sơn Tra ở vùng cao Yên Bái

Lợi ích kép từ trồng Sơn Tra ở vùng cao Yên Bái

Năm 2020, huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái được giao kế hoạch trồng mới 240 ha rừng, cơ cấu cây giống chủ yếu là Sơn Tra và Pơ Mu. Tranh thủ điều kiện thuận lợi, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo người dân các thôn, bản khẩn trương triển khai việc trồng rừng. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có gần 317 ha được trồng xong đưa số diện tích rừng trồng vượt kế hoạch gần 77 ha.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình anh Giàng A Ly ở thôn Bản Công, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã huy động người nhà và anh em trong bản đi nhận cây Sơn Tra ghép giống và tiến hành trồng 1 ha rừng xen dưới tán rừng phòng hộ nghèo kiệt.

Đây là năm đầu tiên gia đình anh Ly trồng cây Sơn Tra dưới tán rừng nghèo kiệt. Với việc được hướng dẫn cuốc hố trước cùng với kỹ thuật trồng nên chỉ trong hơn hai ngày 1 ha Sơn Tra đã được trồng xong.

Lợi ích kép từ trồng Sơn Tra ở vùng cao Yên Bái  ảnh 1 Người dân trồng cây Sơn Tra. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Anh Giàng A Ly tâm sự: “Được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho người dân chúng tôi tham gia trồng rừng. Không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà khi trồng cây Sơn Tra còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo ra nguồn thu nhập lâu dài, do vậy người dân chúng tôi mong muốn tiếp tục được trồng và tích cực bảo vệ rừng”.

Xã Bản Công hiện có trên 6.249 ha rừng các loại; trong đó có gần 4.253 ha rừng phòng hộ. Thực hiện đề án trồng cây Sơn Tra, trong những năm qua xã Bản Công đã trồng được 45 ha cây Sơn Tra trồng xen dưới tán rừng phòng hộ nghèo kiệt.

Trồng và phát triển cây Sơn Tra mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như tạo nguồn thu ổn định từ thu hái Sơn Tra, tiền dịch vụ môi trường rừng đã tạo động lực cho người dân tích cực trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

Lợi ích kép từ trồng Sơn Tra ở vùng cao Yên Bái  ảnh 2 Hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng Sơn Tra. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Năm 2020, xã Bản Công được giao kế hoạch trồng 20 ha rừng Sơn Tra xen dưới tán rừng nghèo kiệt, hiện người dân đã hoàn thành xong việc trồng rừng chỉ sau một thời gian ngắn.

Ông Hảng A Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết, đối với người dân xã Bản Công, trước đây việc trồng rừng chưa được chú trọng. Đến nay, người dân đã biết được hiệu quả của việc trồng cây Sơn Tra nên năm nay theo kế hoạch trồng rừng, xã được giao trồng 20 ha Sơn Tra xen ghép dưới tán rừng. Xã đã chỉ đạo người dân phát ban, cuốc hố trước 15 ngày nên đến nay đã trồng được đủ 20 ha.

Năm 2020, huyện vùng cao Trạm Tấu được giao kế hoạch trồng 240 ha rừng các loại; trong đó, trồng xen hơn 76 ha Sơn Tra vào rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nghèo kiệt, hơn 40 ha trồng rừng cây bản địa gỗ lớn do tổ chức hợp tác phát triển Đức tài trợ, trồng khắc phục 169 ha rừng bị chết rét năm 2018.

Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đã chủ động sản xuất nguồn cây giống với 115 nghìn cây Sơn Tra và 5.000 cây Pơ Mu. Nhằm đảm bảo diện tích rừng sau khi trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đội ngũ cán bộ, kỹ sư Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đã xuống tận các thôn hướng dẫn nhân dân làm đất, cuốc hố theo đúng thiết kế lô, thửa, tính đến hết tháng 8 toàn huyện đã trồng được 316 ha rừng, vượt gần 77 ha so với kế hoạch được giao.

Lợi ích kép từ trồng Sơn Tra ở vùng cao Yên Bái  ảnh 3 Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái kiểm tra các cây Sơn Tra mới được trồng. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Theo ông Đào Công Trình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, việc trồng rừng gắn với bảo vệ phát triển rừng bền vững của huyện Trạm Tấu thực hiện theo các đề án tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp, đề án trồng cây Sơn Tra thì ngoài tiền bảo vệ rừng, bà con nhân dân còn được tiền nhân công tham gia trồng rừng, đó là khoản thu nhập đáng kể đối với bà con vùng cao. Ngoài tiền bảo vệ rừng thì bình quân mỗi hộ có thêm thu nhập khoảng 4,5 triệu/năm.

Với việc trồng vượt kế hoạch diện tích rừng được giao trong năm 2020; trong đó có nhiều diện tích trồng cây Sơn Tra mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Trạm Tấu không chỉ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy Yên Bái mà còn từng bước làm thay đổi ý thức quản lý bảo vệ và phát triển rừng cũng như góp phần nâng độ che phủ rừng của huyện Trạm Tấu nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm