Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Rước biểu tượng sâm Ngọc Linh; hội chợ sâm và hàng nông sản đặc trưng các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam; triển lãnh ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh; biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu đặc biệt quý hiếm, chứa đến 52 hợp chất saponin, có hàm lượng vi chất bồi bổ sức khỏe và chữa trị nhiều bệnh. Từ một giống cây dược liệu bản địa chỉ được trồng tại xã Trà Linh với diện tích và số hộ dân tham gia trồng khiêm tốn, đến nay, huyện Nam Trà My đã có 779 hộ thuộc các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang tham gia trồng sâm dưới những tán rừng già, với tổng diện tích hơn 932 ha. Tháng 6/2017, cây sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, mở ra tiềm năng và hướng phát triển mạnh mẽ cho loại cây này. Cây sâm Ngọc Linh không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng cao Nam Trà My mà còn góp phần vào việc bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh tại đây. Với giá trị kinh tế cao, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã xuất hiện ngày càng nhiều những “tỷ phú sâm”. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch hơn 15.000 ha để trồng cây sâm Ngọc Linh và có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia trồng, phát triển loại cây dược liệu quý hiếm này. Thời gian qua, huyện Nam Trà My đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều đề tài khoa học về bảo tồn, phát triển nguồn gen gốc của cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, huyện hợp tác với quận HamYang, tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc - nơi được xem như thủ phủ sâm của Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm phát triển, quảng bá và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh. Nhân dịp này, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh cho 7 xã của huyện Nam Trà My. Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 2 tại huyện Nam Trà My diễn ra đến ngày 3/8.
Đỗ Trưởng