Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Pretoria ngày 28/10/2002. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tâm điểm của lễ hội năm này là chương trình ca nhạc hoành tráng với sự góp mặt của một loạt ngôi sao đình đám của thế giới như Beyonce, Ed Sheeran, Jay-z và Usher cùng các nghệ sĩ nổi tiếng của Nam Phi, tôn vinh cuộc đời và những cống hiến lớn lao của nhà lãnh đạo Mandela. Sự kiện cũng đồng thời đề cao cuộc chiến chống đói nghèo đói, bất bình đẳng giới - là những mục tiêu cao cả mà cố lãnh tụ Mandela theo đuổi trong suốt cuộc đời mình. Ngoài giới nghệ sĩ, người hâm mộ, tham dự lễ hội còn có Tổng thống nước chủ nhà Cyril Ramaphosa (Xi-rin Ra-ma-phô-xa) cùng lãnh đạo các nước Ghana, Rwanda và Sierra Leone. Đại diện nhiều tập đoàn lớn, các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng tham gia sự kiện nổi bật này và lãnh đạo Ngân hàng Thế giới đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD hỗ trợ các nước châu Phi phát triển ngành y tế và giáo dục. Trong thông điệp gửi tới những người tham gia lễ hội, cháu trai của cố Tổng thống Mendela, Ndaba Mandela đã kêu gọi mọi người hưởng ứng sự kiện âm nhạc này như một tiếng gọi lay động hàng triệu triệu những trái tim, tấm lòng nhân ái trên thế giới hành động thiết thực giúp đỡ những con người đang phải sống trong cảnh đói nghèo. Với mục đích tuyên truyền đến năm 2030 xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới, nhiều sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Công dân toàn cầu năm 2018 cũng đã được tổ chức tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, trong đó có London (Anh), Brussels (Bỉ) và New York (Niu Y-oóc, Mỹ). Theo ban tổ chức, chương trình đại nhạc hội tại Johanesburg đã tiếp nhận được hơn 2 tỷ USD cam kết quyên góp, gấp 2 lần so với mục tiêu ban đầu.
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Hội nghị AIDS quốc tế ở Bangkok, Thái Lan ngày 15/7/2004. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Sinh ngày 18/7/1918, thường được người dân gọi bằng cái tên trìu mến là "Tata" hay "Cha", Nelson Mandela không chỉ được thế giới ngưỡng mộ bởi ông là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn 3 thế kỷ cầm quyền của người da trắng, là người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà còn là biểu tượng quốc tế cho tinh thần tự do, đoàn kết dân tộc và lòng vị tha. Với sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột giữa cộng đồng người da màu chiếm đa số và nhóm người da trắng thiểu số cầm quyền. Những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo Mandela trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, chống đói nghèo, bất bình đẳng đã được đất nước Nam Phi cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới vinh danh bằng rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu là giải Nobel Hòa bình năm 1993, giải thưởng Lenin của Liên Xô và giải thưởng Tự do của Mỹ. Đặc biệt, tháng 11/2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18/7 là “Ngày Quốc tế Nelson Mandela”. Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã nhấn mạnh: "Tổng thống N.Mandela là biểu tượng vĩ đại của công lý, là cảm hứng của nhân loại. Ông đã cống hiến cả cuộc đời vì nhân dân Nam Phi và nhân loại. Cuộc đời đó là một sự hy sinh lớn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc trên thế giới".
Lan Phương