Hiện nay, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lâm sản sạch, phát triển kinh tế hộ từ lâm nghiệp cho các hộ sống nhờ rừng, gần rừng đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, dần trở thành hướng đi bền vững trong việc làm giàu từ rừng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai.
Gia tăng lợi ích từ lâm sản sạch
Quá trình canh tác không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không đốt thực bì… gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lâm sản sạch đang là tấm vé thông hành giúp các sản phẩm từ gỗ rừng trồng Lào Cai “xuất ngoại”, chinh phục những thị trường khắt khe nhất.
Cây quế được đưa vào trồng ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, Lào Cai từ sau năm 1975. Sau một thời gian thấy cây quế phù hợp với thổ nhưỡng, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã mở rộng diện tích qua các năm. Đến nay, toàn xã Nậm Đét có 1.850 ha quế; trong đó, có 1.500 ha đang cho thu hoạch với khoảng gần 500 hộ tham gia và được trồng ở hầu hết các thôn trong xã. Để đảm bảo diện tích quế khai thác gối đầu, mỗi năm, người dân trong xã trồng mới từ 50 - 60 ha và trồng lại hàng trăm ha sau khai thác. Với việc bóc tỉa cây này đợi cây kia lớn, người trồng quế ở Nậm Đét có thu nhập đều hằng năm.
Theo ông Ông Đặng Xuân Phương, Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, hiện tại, trên 1.300 ha quế của 334 hộ tại Nậm Đét đã được công nhận vùng quế hữu cơ (organic), đạt 70,8% tổng diện tích quế trên địa bàn.
Việc được cấp chứng nhận quế hữu cơ quốc tế đã góp phần nâng cao giá trị từ cây quế, hình thành vùng sản xuất chuyên canh quế gắn với chuỗi giá trị của ngành hàng quế tại địa phương. Vùng nguyên liệu sản xuất quế được quản lý từ khâu chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc, khai thác quế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh thái trong vùng trồng quế, hỗ trợ việc xây dựng và quản lý vùng quế hữu cơ được phát triển đảm bảo.
Toàn bộ sản lượng quế hữu cơ đều do Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà và Hợp tác xã quế Hữu cơ Nậm Đét thu mua bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. Trung bình cứ 1 ha quế, nhân dân thu trên hơn 1 tỷ đồng. Hiện Nậm Đét đang quy hoạch thêm 150 ha đất để nông dân tiếp mở rộng diện tích trồng quế, nâng diện tích lên 2.000 ha vào năm 2025.
Tại huyện Bảo Yên, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, Công ty cổ phần MDF Bảo Yên là đơn vị được cấp chứng chỉ FSC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm) đầu tiên của các tỉnh miền núi phía Bắc trên diện tích 5.730 ha theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị Rừng quốc tế.
Theo tính toán của Công ty, sản xuất theo quy trình FSC giá bán một mét khối gỗ tăng từ 15 - 20%, tương đương với 150 - 200.000 đồng. Người dân tham gia cấp chứng chỉ rừng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc như: không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì… Hiện mô hình trồng rừng theo quy trình FSC triển khai tới 15 xã, thị trấn với trên 1.000 hộ dân tham gia với tổng diện tích trên 3.000 ha rừng trồng. Mỗi ha trồng theo tiêu chuẩn FSC, người trồng thu lãi 80 triệu đồng (cao hơn 30 triệu đồng so với trồng thông thường).
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc công ty cổ phần MDF Bảo Yên, việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đáp ứng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh. Đây là chuỗi giá trị gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao cho chủ rừng khi sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản...Từ đó, gia tăng lợi ích thiết thực trên cả 3 phương diện, đó là: làm giàu rừng, tăng thu nhập cho người sản xuất, môi trường và an sinh xã hội.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, 2 chuỗi liên kết tiêu biểu trên nằm trong số 16 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lâm sản hiện có của tỉnh Lào Cai. Các chuỗi này đang liên kết với 14 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và hơn 5.000 hộ gia đình tham gia sản xuất (chủ yếu là các hộ thuộc dân tộc Dao, Tày, H’mông...) và tiêu thụ các sản phẩm lâm sản. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng góp phần truy xuất nguồn gốc lâm sản, gia tăng giá trị lâm sản lên 5-10% so với sản xuất thông thường, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các thị trường khó tính.
Liên kết trong tổ chức sản xuất
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai tiếp tục với định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp thành lĩnh vực kinh tế trọng điểm, phát triển đảm bảo hài hòa 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Có thể nói, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lâm sản nói chung và lâm sản sạch nói riêng là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất theo chuỗi giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng được quy mô, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho lâm sản.
Do đó, giải pháp được Lào Cai ưu tiên trong thời gian tới là đổi mới phương thức sản xuất bằng việc đẩy mạnh hình thành các tổ, nhóm nông dân sở thích (nòng cốt) tiến tới hình thành các hợp tác xã lâm nghiệp mang tính chuyên môn cao và đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngành nông nghiệp địa phương sẽ hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết trong tổ chức sản xuất các sản phẩm lâm sản theo chuỗi giá trị đối với từng mặt hàng lâm sản; thành lập các tổ nhóm chủ rừng trồng quế, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm quế.
Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa giá trị lâm sản bằng việc mở rộng diện tích lâm sản sạch, Lào Cai khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm các chủ rừng trồng quế xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và đăng ký cấp chứng chỉ rừng (FSC hoặc tương đương), chứng chỉ ogranic. Đồng thời, hình thành vùng chỉ dẫn địa lý cây quế Lào Cai, quế hữu cơ với diện tích tối thiểu 10.000 ha; Lào Cai hình thành các hiệp hội lâm sản để thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm lâm nghiệp của Lào Cai.
Cũng theo ông Vũ Hồng Điệp, để có thêm các nguồn hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bên tham gia chuỗi sản xuất lâm nghiệp, hiện nay Lào Cai đang xúc tiến hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ tham gia thực hiện các dự án “Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” (USAID) do tổ chức phát triển Hoa Kỳ tài trợ; dự án “Tăng cường Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” (SNRM2) do Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ... Lào Cai phấn đấu, giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất lâm nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương, làm giàu cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai.
Hương Thu