Các đại biểu tham quan mô hình nuôi ong tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: baolaocai.vn |
Hiệu quả từ những mô hình Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ 2 xã Xuân Quang và Phong Niên, huyện Bảo Thắng xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao thuộc dự án xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây nguyên, giai đoạn 2016-2018 với quy mô 200 đàn ong nội/10 hộ. Thông qua mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống vật tư, chỉ đạo kỹ thuật và giám sát các hộ tham gia thực hiện mô hình xuyên suốt quá trình phát triển của đàn ong và khai thác mật của nông hộ đảm bảo theo quy trình kỹ thuật thực hành chăn nuôi ong tốt, an toàn (VietGAHP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Kết quả, các đàn ong thuộc mô hình cho năng suất trên 18 kg/đàn/năm (cao hơn trước 2,3 kg/đàn/năm), thu nhập 2,7 triệu đồng/đàn/năm. Từ mô hình này, một lao động có thể nuôi 100 đàn ong, do đó thu nhập có thể đạt 200-250 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20,6%. Sau gần 1 năm triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã trao chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng của Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương cho Tổ hợp tác mật ong Núi Đá. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cho sản phẩm mật ong Núi Đá xã Xuân Quang. Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai cho biết, do được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp tem truy xuất nguồn gốc và có bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của khách hàng nên sản lượng tiêu thụ mật ong tăng theo các năm. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng dần theo các năm. Mô hình "Nuôi cá tầm trong lồng năm 2018 - 2019" thuộc dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, giai đoạn 2017-2019" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì đã được triển khai tại vùng đặc biệt khó khăn 30a của tỉnh Lào Cai với khoảng 50% số hộ thực hiện mô hình là người dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, mỗi lao động trong gia đình có thể nuôi với thể tích gấp 4 lần (tức là 200 m3), do đó lãi sẽ cao gấp 4 lần, tương đương 116 triệu đồng/người/năm, bình quân đạt 9,65 triệu/người/tháng, hiệu quả kinh tế tăng 34,8% so với nuôi các loại cá truyền thống như: diêu hồng, chép, trắm. Đặc biệt, nuôi cá tầm ở môi trường nguồn nước rộng, sạch, mát và được bổ sung thêm cá nhỏ tươi... nên chất lượng thực phẩm tốt hơn, công tác tiêu thụ thuận lợi và phát triển bền vững hơn. Theo ông Đặng Danh Bộ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, lợi ích lớn nhất từ mô hình là đã kiểm soát tốt nguồn giống, vật tư nên hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Hơn nữa, theo bộ tiêu chí đánh giá VietGAP trong nuôi trồng thủy sản cho thấy, sản phẩm của các hộ tham gia xây dựng mô hình trình diễn đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nước nuôi thường xuyên được giám sát đo các chỉ tiêu kỹ thuật như: nồng độ oxy hòa tan, nồng độ pH, NH3… . Vì vậy, sức khỏe đàn cá ổn định, trong quá trình nuôi không phải sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng vôi, tỏi… trong phòng trị bệnh cho cá, nên không có tồn dư kháng sinh trong sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.Tăng hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn Từ những hiệu quả thiết thực của các mô hình nông nghiệp mà nhà nước và nhân dân cùng làm, tại "Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020", UBND tỉnh Lào Cai đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của địa phương này là tạo bước đột phá trong xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị một số ngành nông sản đặc hữu của tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Cùng với đó là đẩy mạnh các giải pháp phát triển chuỗi nông sản an toàn được xác nhận gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử và xây dựng thương hiệu nhãn hiệu cho các loại nông sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, tỉnh hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu trong năm 2020, 100% các huyện, thành phố, thị xã có quy hoạch phát triển vùng sản xuát rau, quả, chè, chăn nuôi, thủy sản theo các quy trình tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, hữu cơ...). 100% các vùng sản xuất sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được giám sát dư lượng hóa chất độc hại. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, tồn dư hóa chất kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2019... Để thực hiện các mục tiêu trên, Lào Cai sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra giám sát theo hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường kiểm tra đột xuất tập trung vào những công đoạn có nguy cơ cao trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và các ngành công thương, y tế, công an... nhằm kịp thời phát hiện điều tra xử lý triệt để các cơ sở tàng trữ lưu thông buôn bán sử dụng chất cấm thuốc bảo vệ thực vật thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng trong nông nghiệp Mặt khác, ngành nông nghiệp Lào Cai sẽ mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.
Hương Thu